Mối quan hệ nào cũng bắt đầu bằng một lời chào

Hầu hết những người đã tiếp xúc và trò chuyện với mình đều cho rằng mình có khả năng tạo dựng quan hệ, trò chuyện vui vẻ với tất cả mọi người, kể cả những người lạ. Khi làm công việc Truyền thông nội bộ (TTNB), mình có thể thoải mái trò chuyện với hầu hết mọi người trong công ty. Thời điểm hiện tại, mình đang du học tại Thụy Điển và lớp học có gần 60 bạn đến từ các quốc gia khác nhau. Trong môi trường đa văn hóa này, mình cũng nhanh chóng làm quen với các bạn, có được một số người bạn thân thiết, quý mến – Điều mà những người bạn là du học sinh Việt khác phải ghen tị. Các bạn nói mình thật “socialize” và có năng khiếu bắt chuyện, kết bạn với tất cả mọi người.

Nhưng sự thật là nếu biết mình của 6, 7 năm về trước, họ chắc chắn sẽ có cái nhìn khác về mình. Mình từng gặp khó khăn trong việc bắt chuyện, làm quen với những người bạn, người đồng nghiệp mới. Mình sẽ luôn là người ngồi một góc và xa cách với những nhóm bạn, nhóm đồng nghiệp thân thiết.

Cảm giác lạc lõng trong một tập thể không hề dễ chịu. Mình hiểu hơn ai hết cảm giác đó. Tại bài viết tuần này, mình sẽ chia sẻ 02 câu chuyện cá nhân, 03 lời khuyên và 02 gợi ý có thể giúp bạn chuyển mình – từ một người giống mình trước đây: Cô lập, lạc lõng trong môi trường mới trở thành mình của hiện tại: Được đánh giá là dễ dàng tạo dựng mối quan hệ với người khác.

Mình cùng bắt đầu nhé!

Hai câu chuyện của mình

Câu chuyện thứ nhất

Lúc mới ra trường, mình có tham gia và trở thành 1 trong 10 manager trainee – quản lý tập sinh của một công ty về Thương mại điện tử tại Hà Nội. Trong nguyên 1 tháng đầu tiên đi làm, trừ những lúc đi đào tạo và làm việc cùng nhau, vào những lần nghỉ trưa, mình đều ngồi một chỗ và ăn trưa một mình trước máy tính trong khi các bạn trainee khác cùng ăn và trò chuyện vui vẻ. Giống như mình, ban đầu các bạn cũng không quen biết nhau từ trước, nhưng vì các bạn không ngần ngại bắt chuyện làm quen nên dần dần mối quan hệ giữa các bạn ngày càng phát triển. Trong khi các bạn có nhiều điểm chung để nói hơn thì mình vẫn luôn thu mình lại trong khu vực an toàn của bản thân. Có dạo một bạn trong nhóm chạy lại chỗ mình và rủ mình cùng chơi ma sói với mọi người trong giờ nghỉ trưa, nhưng mình lại từ chối và nói dối rằng mình muốn xem nốt bộ phim đang dang dở. Sau đó từ chỗ ngồi, mình vẫn lén nhìn các bạn chơi và cười đùa vui vẻ với nhau. Mình hối hận vô cùng vì đã không nhận lời người bạn tốt bụng, để rồi phải ngậm ngùi với cảm giác trống trải và lạc lõng.

Sau lần đó, mình đã quyết định mở lòng và bước ra khỏi kén an toàn của bản thân. Mình chủ động trò chuyện với các bạn và mạnh dạn tham gia các hoạt động chung cùng các bạn hơn. Nếu vẫn tiếp tục thu mình lại chắc chắn mình đã không có những người bạn thân thiết cho đến tận bây giờ, tức sau 8 năm trôi qua.

Câu chuyện thứ hai

Lần chuyển chỗ làm mới tiếp theo khác với lần đầu tiên khi mình là nhân viên mới trong một công ty game cũng tại Hà Nội. Trong những tuần đầu đi làm, mình cảm thấy bản thân không thuộc về môi trường này khi những người khác đều nói những câu chuyện mình không hiểu. Họ có những nhóm đồng nghiệp thân thiết cùng ăn trưa, đi cafe sau giờ làm. Mỗi ngày đi làm với mình đều cảm thấy nặng nề và trống trải. Mình nhớ những người bạn thân, những mối quan hệ quen thuộc và thấy việc trở thành người lớn, kết giao thật khó khăn.

Nhưng từ kinh nghiệm của lần trước, mình quyết định thử chủ động và tạo cơ hội cho bản thân lần nữa. Mình xin được tham gia ăn trưa cùng mọi người, cố gắng lắng nghe những câu chuyện mọi người nói và nếu có gì mình thấy liên quan mình sẽ chia sẻ trong buổi trò chuyện đó. Những lần đầu gượng gạo dần qua đi, thay cho những câu chuyện gần gũi với mình hơn. Và kết quả là thời gian làm việc tại công ty đó là một trong những khoảng thời gian tuyệt vời nhất với mình. Mình đã có được những người đồng nghiệp thân thiết và thậm chí đến bây giờ họ vẫn như những người anh người chị, luôn sẵn lòng giúp đỡ mình trong cả cuộc sống và công việc sau này.

Ba lời khuyên

Qua câu chuyện của mình, có thể thấy được rằng nếu tiếp tục thu mình lại, ở yên trong khu vực an toàn của bản thân, mình sẽ bỏ lỡ những mối quan hệ và những cơ hội tuyệt vời. Sự chủ động chính là chìa khóa giúp mình dần phá bỏ tảng băng vô hình ngăn cách mình với người khác. Đến hiện tại việc hòa đồng trong môi trường mới với mình không phải là điều khó khăn là nhờ ba bí quyết cũng là ba lời khuyên mà mình muốn chia sẻ với các bạn:

Lời khuyên 01: Luôn chủ động nói lời chào và nở một nụ cười thật tươi

Lời nói đầu tiên bạn nói với người khác là gì? Đó là lời chào. Khi gặp gỡ người khác, hãy luôn là người nói lời chào đầu tiên và đừng quên nở một nụ cười thật tươi. Hầu hết những người được bạn chào sẽ chào lại và cười lại với bạn. Điều này tạo nên một không khí thoải mái và dễ dàng đi tới những câu chuyện tiếp theo. Thời gian đầu có thể bạn sẽ liên tục là người chủ động chào hỏi, nhưng tin mình đi, sau một thời gian rồi người bạn thường chủ động chào hỏi sẽ là người chủ động chào bạn trước đó.

Lúc mới vào công ty, khi chưa quen hết mọi người, đi đâu gặp ai mình cũng chủ động chào hỏi và mỉm cười với mọi người. Dần dần, đôi khi có lúc lơ đãng không để ý, chính họ là người chủ động chào và cười tươi khi gặp mình. Hãy đặt mình vào một tình huống mà những người bạn gặp đều chào và cười với bạn, một khung cảnh thật thân thiện và tích cực.

Lời khuyên 02: Không vấn đề gì với những câu chuyện xã giao

Với những người bạn gặp lần đầu, việc trò chuyện những câu chuyện xã giao, mang tính chất trao đổi qua lại như: “Bạn học ở đâu, từng làm gì, nhà ở đâu,… ” là rất bình thường. Thậm chí điều này còn có trong lý thuyết Truyền thông liên cá nhân của Berger mà mình được học (Uncertainty Reduction Theory in Interpersonal Communication). Theo đó giữa 2 người lạ luôn tồn tại sự không chắc chắn về nhau, và để giảm sự không chắc chắn này, họ sẽ liên tục đưa ra những câu hỏi xã giao mang tính chất qua lại như vậy. Sự không chắc chắn càng giảm, mức độ thân thiết và khả năng tiến xa hơn của mối quan hệ càng cao. Vì vậy, việc trao đổi các câu chuyện xã giao là hoàn toàn bình thường. Sau những lần trò chuyện như vậy, bạn sẽ hiểu đối phương hơn và từ đó sẽ thoải mái chia sẻ quan điểm cá nhân, cảm xúc trong lời nói, tìm ra những điểm chung, những yếu tố giúp bạn phát triển mối quan hệ với người đó hơn.

Lời khuyên 03: Nhớ tên người mình trò chuyện

Trong cuốn sách Đắc Nhân Tâm, Dale Carnegie đã nhán mạnh “Hãy luôn nhớ rằng tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ, dù trong bất kỳ ngôn ngữ nào”. Vì vậy, việc nhớ tên người mình trò chuyện cùng sẽ tạo những tác dụng tích cực trong việc xây dựng mối quan hệ với người đó. Bản thân mình đã áp dụng việc nhớ tên này trong công việc TTNB của mình trước đây khi trò chuyện cùng nhân viên trong công ty. Mình luôn cố gắng mối ngày chào và hỏi tên phòng ban của ít nhất 5 người mình vô tình gặp trong công ty và ghi chú lại. Dần dần mình cũng nhớ tên hơn 200 người tại công ty và có thể trò chuyện thoải mái với tất cả bọn họ sau những lần trò chuyện xã giao vô tình gặp nhau ngoài hành lang hay trong tháng máy.

Hai gợi ý giúp bạn hòa nhập dễ dàng hơn với môi trường mới

Ngoài việc giúp tạo mối quan hệ với cá nhân, sự chủ động trong giao tiếp cũng giúp bạn dễ dàng hòa nhập với môi trường mới. Một số gợi ý cụ thể của mình cho hai tình huống giao tiếp điển hình:

1/ Tất cả mọi người trong môi trường giao tiếp đều chưa tiếp xúc với nhau bao giờ.

Điều này thường xảy ra khi bạn bắt đầu một khóa học mới, chuyển cấp, bắt đầu vào lớp đại học hay tất cả các bạn đều là nhân viên mới trong công ty. Trong tình huống này, tất cả mọi người đều sẵn sàng cởi mở và trò chuyện. Thực ra, đây là cơ hội vô cùng tốt để bạn tìm hiểu và bắt đầu xây dựng mối quan hệ mới. Chìa khóa là chủ động và cởi mở trong giao tiếp. Sau những lời nói chuyện xã giao ban đầu, bạn sẽ dần tìm ra những điểm chung và sẽ có nhiều chuyện để trao đổi và nói với nhau hơn

2/ Bạn tới một môi trường mới, nơi đã có những mối quan hệ đã thành hình (như bạn chuyển chỗ học, chuyển chỗ làm,…)

Tình huống này, việc xây dựng mối quan hệ sẽ khó khăn hơn. Bạn buộc phải quan sát xem cách trò chuyện của họ như thế nào. Trong các cuộc trò chuyện, đôi khi bạn sẽ cảm thấy lạc lõng nhưng hãy cứ kiên nhẫn lắng nghe. Nếu có những chủ đề bạn có thể chia sẻ, mạnh dạn chia sẻ. Việc quan sát cũng sẽ giúp bạn nhận biết ra người có thể giúp bạn kết nối với tập thể. Hãy dành thời gian nói chuyện với bạn đó. Việc thiết lập mối quan hệ với cá nhân để từ đó tạo kết nối với tập thể sẽ dễ dàng hơn

Lời kết

Mình chiêm nghiệm được rằng: Những người có cùng tần sóng với nguồn năng lượng, sự quan tâm, có nhiều nét tương đồng sẽ vô tình thu hút nhau. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi những người trong cuộc luôn sẵn sàng chủ động, cởi mở trong việc xây dựng mối quan hệ mới. Mình không nhớ ai đó đã nói ở đâu, rằng không có ai nhạt nhẽo, ai cũng có những câu chuyện thú vị để kể và những điều hay ho để mình học hỏi. Việc chủ động nói lời chào, bắt chuyện làm quen sẽ giúp bạn không chỉ có được những mối quan hê tuyệt vời trong tương lai mà những quan điểm, suy nghĩ được trao đổi trong quá trình giao tiếp đó sẽ mở ra cho bạn những thế giới quan mới mà bạn chưa bao giờ nhận ra.

Hãy luôn là người chủ động mở lời, bạn sẽ nhận lại rất nhiều điều tuyệt vời 🙂

Be Better Everyday!

Lana Thủy Nguyễn

Bài viết này hữu ích với bạn? Hãy cân nhắc ủng hộ cho blog để blog có thể duy trì phi lợi nhuận, không quảng cáo và phát triển bền vững

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền – Cộng tác trước khi sao chép hay trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

Bạn muốn chia sẻ bài viết này?

2 Replies to “Mối quan hệ nào cũng bắt đầu bằng một lời chào”

  1. Cảm ơn Thủy đã chia sẻ, bài viết của Thủy rất hữu ích. Mình vẫn theo dõi các bài chia sẻ của bạn. Chúc Thủy thật nhiều sức khỏe nhé!

    1. Lana Thủy Nguyễn says:

      Cảm ơn Nhung nhiều <3

Comments are closed.

Lana Thủy Nguyễn Blog