Mối quan hệ giữa Truyền thông nội bộ & Văn hóa doanh nghiệp

Nhắc đến Truyền thông nội bộ là nhắc đến Văn hóa doanh nghiệp. Vậy cụ thể mối quan hệ giữa Truyền thông nội bộ và Văn hóa doanh nghiệp là gì? Câu hỏi này vẫn trăn trở mình từ khi còn làm Truyền thông nội bộ tại Việt Nam. Khi có cơ hội được đi học Thạc sĩ, tìm hiểu chuyên sâu về Organizational Communication dưới góc nhìn người làm nghiên cứu, mình mới bắt đầu tự biết cách tìm ra câu trả lời cho nó.

Tại bài viết này, mình sẽ chỉ ra một số khái niệm về Văn hóa doanh nghiệp và Truyền thông nội bộ cùng 4 mối quan hệ giữa chúng. Bài viết là lược dịch tóm tắt từ đồ án cuối kỳ mình thực hiện cho môn Organizational Communication trong chương trình học Master in Communication tại Đại học Gothenburg, dựa trên 18 nghiên cứu khoa học liên quan.

Văn hóa doanh nghiệp và phân loại

Văn hóa doanh nghiệp là tổng hợp các giá trị, hình tượng, ý nghĩa, niềm tin, những giả định và kỳ vọng được hình thành và chia sẻ giữa những cá nhân làm việc trong cùng một tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống doanh nghiệp. Nó định hình nên hình ảnh của doanh nghiệp và cách doanh nghiệp thể hiện trong nội bộ và bên ngoài.

Có thể phân loại Văn hóa doanh nghiệp thành: Văn hóa độc đoán (Authoritarian Culture) và Văn hóa đồng thuận (Participative Culture). Những doanh nghiệp mang Văn hóa độc đoán thường có những đặc điểm như: Quyết định được đưa ra bởi CEOs và các lãnh đạo cấp cao khác và nhân viên làm theo, nhân viên không được khuyến khích sáng tạo trong công việc và họ thường có cảm giác sợ sệt, né tránh các cấp quản lý. Ngược lại, những doanh nghiệp mang Văn hóa đồng thuận sẽ có những đặc điểm chính như: Coi trọng teamwork, các phòng ban phối hợp nhịp nhàng, cùng theo đuổi một mục tiêu chung, không có khoảng cách giữa nhân viên và cấp quản lý và nhân viên được tự do đưa ra những ý tưởng mới mẻ.

Truyền thông nội bộ và phân loại

Truyền thông nội bộ được coi là mạch máu của mọi doanh nghiệp, là một lĩnh vực chuyên biệt của Truyền thông, tập trung vào cách thức trao đổi thông tin trong nội bộ doanh nghiệp. Một trong những mô hình chính của Truyền thông nội bộ là Truyền thông nội bộ cân xứng (Symmetrical Internal Communication). Theo đó nhân sự, doanh nghiệp và tất cả các bên liên quan đều cởi mở trong việc trao đổi thông tin với nhau. Trái ngược với mô hình này là Truyền thông nội bộ không cân xứng (Asymmetrical Internal Communication). Về cơ bản, đây là mô hình truyền thông mang tính một chiều khi thông tin được chỉ thị từ trên xuống dưới nhằm phục vụ mong muốn từ cấp lãnh đạo.

Nhìn chung, nhân viên nào cũng mong muốn mình được trao đổi cởi mở, được lắng nghe và chia sẻ với cấp quản lý. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng Truyền thông nội bộ cân xứng đóng góp phần lớn vào hiệu quả gắn kết nhân viên, củng cố mối quan hệ giữa nhân viên với doanh nghiệp và từ đó dẫn đến những hành vi giao tiếp nội bộ tích cực trong doanh nghiệp đó.

4 Mối quan hệ chính giữa Truyền thông nội bộ và Văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp tác động lên Truyền thông nội bộ

Văn hóa doanh nghiệp được coi là nền tảng của Truyền thông nội bộ. Cụ thể, Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cách triển khai và thực hiện các chiến dịch Truyền thông nội bộ. Nếu như văn hóa xã hội ảnh hưởng lên cách con người tương tác với xã hội thì Văn hóa doanh nghiệp cũng có ảnh hưởng tương tự lên cách nhân viên giao tiếp với nhau trong doanh nghiệp.

Truyền thông nội bộ giúp thể hiện và lan tỏa Văn hóa doanh nghiệp

Truyền thông nội bộ giúp Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện một cách rõ ràng, thành hình. Nói cách khác, Truyền thông nội bộ là công cụ hữu hiệu giúp thể hiện ý tưởng, giá trị, niềm tin, làm sáng tỏ bối cảnh văn hóa giúp mọi người hiểu thêm về tổ chức. Bên cạnh đó, chính sự tương tác giữa mỗi cá nhân trong tổ chức cũng giúp văn hóa doanh nghiệp được lan tỏa và duy trì qua nhiều thế hệ nhân viên.

Văn hóa đồng thuận thúc đẩy Truyền thông nội bộ cân xứng. Văn hóa độc đoán thúc đẩy Truyền thông nội bộ không cân xứng.

Redding, một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên về Truyền thông nội bộ, đã khẳng định rằng môi trường trao đổi thông tin hay cách thức mà thông tin được chia sẻ quan trọng hơn kỹ năng của người truyền tải thông tin đó. Ông tin rằng môi trường lý tưởng để trao đổi thông tin được phản ánh bởi lòng tin, sự tham gia đồng thuận, cởi mở và thẳng thắn – và đây đều là những đặc điểm của Văn hóa đồng thuận. Trong các nghiên cứu sau này, các nhà khoa học đều có chung kết luận: Văn hóa đồng thuận thúc đẩy Truyền thông nội bộ cân xứng và Văn hóa độc đoán thúc đẩy Truyền thông nội bộ không cân xứng.

Mối quan hệ tác động qua lại giữa Văn hóa doanh nghiệp và Truyền thông nội bộ

Truyền thông nội bộ giúp định hình lên Văn hóa doanh nghiệp thông qua các kênh truyền thông chính thống và không chính thống như những câu chuyện, kinh nghiệm được truyền lại,… Ngược lại, Văn hóa doanh nghiệp tác động lên Truyền thông nội bộ bởi những khuôn mẫu đã được sử dụng và chia sẻ như bộ từ vựng chuyên ngành của công ty, những cấu trúc, thủ tục, quy trình đã được thiết lập.

Một số nhà nghiên cứu cũng chỉ ra mối quan hệ tác động qua lại giữa Văn hóa đồng thuận và Truyền thông nội bộ cân xứng. Cụ thể, việc triển khai các hoạt động Truyền thông nội bộ cân xứng, tức thông tin được trao đổi hai chiều, nhân viên được trao nhiều cơ hội lên tiếng và tiếp nhận phản hồi từ lãnh đạo sẽ thúc đẩy Văn hóa đồng thuận. Ngược lại, Văn hóa đồng thuận tạo nên môi trường lý tưởng cho Truyền thông nội bộ đối xứng khi khuyến khích nhân viên và các cấp quản lý giao tiếp cởi mở với nhau.

Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn toàn diện hơn về Truyền thông nội bộ, Văn hóa doanh nghiệp và mối quan hệ tương quan giữa chúng. Là người phụ trách Truyền thông nội bộ, bạn hoàn toàn có thể góp phần nuôi dưỡng và thúc đẩy Văn hóa đồng thuận bằng cách triển khai các hoạt động truyền thông nội bộ cân xứng: Tạo điều kiện để nhân viên và lãnh đạo chia sẻ, trao đổi cởi mở với nhau; Từ đó, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong doanh nghiệp.

Be Better Everyday!

Lana Thủy Nguyễn

Bài viết này hữu ích với bạn? Hãy cân nhắc ủng hộ cho blog để blog có thể duy trì phi lợi nhuận, không quảng cáo và phát triển bền vững

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền – Cộng tác trước khi sao chép hay trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

Bạn muốn chia sẻ bài viết này?
Lana Thủy Nguyễn Blog