Hiểu đúng để làm đúng: Truyền thông thương hiệu nội bộ (P.II)

Tại phần I, mình đã chia sẻ tầm quan trọng của Truyền thông thương hiệu nội bộ tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vậy cần bắt đầu từ đâu để có thể triển khai chiến lược Truyền thông thương hiệu nội bộ hiệu quả? Phần II và III sẽ lần lượt giúp bạn trả lời câu hỏi này:

Các bước triển khai chiến lược Truyền thông thương hiệu nội bộ hiệu quả

Bước 1: Hiểu thương hiệu

Để truyền tải được tinh thần và các giá trị của thương hiệu tới nhân viên, bản thân người triển khai cần cần hiểu rõ mình cần truyền tải điều gì. Hãy chủ động liên hệ phòng Truyền thông thương hiệu của công ty để tiếp nhận Bộ quy chuẩn thương hiệu, với mục đích nắm rõ:

  • Brand Purpose – Ý nghĩa thương hiệu: Là một câu tóm tắt lý do tại sao thương hiệu của bạn tồn tại, tại sao bạn làm điều này và sự khác biệt mà bạn cam kết mang lại (WHY). Ví dụ về Brand Purpose của Apple: “To bring the best user experience to its customers through its innovative hardware, software and services”. (Tạm dịch: Nhằm mang lại trải nghiệm người dùng tốt nhất đến khách hàng thông qua các sản phẩm phần cứng, phần mềm và dịch vụ sáng tạo”.
  • Brand Mission – Sứ mệnh thương hiệu: Chỉ rõ bạn đang làm gì để biến ý nghĩa thương hiệu của bạn thành hành động (WHAT). Nó thể hiện bạn muốn nhìn thấy sự thay đổi gì và gắn liền sự thay đổi đó với doanh nghiệp của bạn. Với Apple, Brand Mission của họ là: “To make the best products that enrich people’s lives” – Tạm dịch: Làm ra những sản phẩm tốt nhất với mục tiêu làm phong phú cuộc sống của mọi người.
  • Brand Values – Các giá trị cốt lõi của thương hiệu: Là tập hợp các đặc điểm, nguyên tắc và niềm tin đinh hướng cách thức mà thương hiệu và nhân viên của thương hiệu đó vận hành, tương tác nội bộ và bên ngoài (HOW). Ví dụ về Brand Values của Apple: Accessibility, Education, Environment, Inclusion and Diversity, Privacy, Racial Equity and Justice Initiative, và Supplier Sustainability.
  • Brand Vision – Tầm nhìn thương hiệu: Là lộ trình chỉ rõ bạn muốn đi đến đâu (WHERE) và khi nào bạn muốn đến đó (WHEN) phù hợp với ý nghĩa, sứ mệnh và các giá trị thương hiệu của bạn. Ví dụ về Brand Vision của Apple: “We believe that we are on the face of the earth to make great products, and that’s not changing.“ – Tạm dịch: Chúng tôi tin rằng chúng tôi có mặt trên trái đất để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời và điều đó sẽ không thay đổi.

Để đảm bảo bạn hiểu đúng, tốt nhất bạn hãy đặt một buổi họp với sự tham gia những người trực tiếp phụ trách, quản lý thương hiêu của công ty. Lắng nghe họ trình bày về thương hiệu và các thông tin nêu trên, và nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, đừng bao giờ ngần ngại trao đổi với họ.

Bước 2: Hiểu nhân viên

Để triển khai bất kỳ chiến dịch truyền thông nào, bạn cần hiểu rõ đối tượng mục tiêu của mình. Họ có mong muốn, kỳ vọng nào và động lực để họ có thể gắn bó với thương hiệu. Với các chiến dịch truyền thông thuơng hiệu nội bộ, đối tương mục tiêu chính là nhân viên. Tuy vậy, thực tế là, dù công ty không tiếc tiền đầu tư nghiên cứu thị trường, tìm hiểu khách hàng, họ lại hiếm khi tiến hành các nghiên cứu chính nhân viên của họ.

Việc nghiên cứu nhân viên hoàn toàn có thể thực hiện thông qua các phương pháp nghiên cứu khách hàng thông thường, như thực hiện khảo sát, phỏng vấn nhóm (focus group) hay phỏng vấn sâu (in-depth interviews). Nhiều chuyên viên truyền thông thường chỉ gửi các bản khảo sát định kỳ tới toàn bộ nhân viên, với đa dạng chủ đề cho mỗi lần khảo sát. Nhìn chung, đây là phương pháp dễ triển khai, dễ tiếp cận, nhưng kết quả thu về không thể sâu sát bằng các buổi phỏng vấn. Để có thể đào sâu, hiểu rõ các vấn đề hiện tại, hay có thêm các ý tưởng mới, bạn nên triển khai các buổi phỏng vấn nhóm khoảng 3-4 người hoặc phỏng vấn 1-1 với các đại diện phòng ban. Kết quả thu về sẽ hữu ích cho việc bạn đưa ra các quyết định tiếp theo như thế nào, hoặc đơn giản là định hình cho các bản khảo sát diện rộng hơn trong tương lai.

Tóm lại, để có được bức tranh tổng quát và toàn diện, tốt nhất bạn hãy thực hiện tổng hợp các phương pháp này: Thực hiện phỏng vấn nhóm hoặc phỏng vấn 1-1 trước. Sau đó triển khai khảo sát tới số đông nhân viên sau.

Tại Phần III, mình sẽ tiếp tục chia sẻ 4 bước cuối trong việc triển khai Chiến lược Truyền thông thương hiệu nội bộ. Hẹn gặp lại bạn tại bài viết này nhé!

Be Better Everyday!

Lana Thủy Nguyễn

Bài viết này hữu ích với bạn? Hãy cân nhắc ủng hộ cho blog để blog có thể duy trì phi lợi nhuận, không quảng cáo và phát triển bền vững

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền – Cộng tác trước khi sao chép hay trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

Bạn muốn chia sẻ bài viết này?
Lana Thủy Nguyễn Blog