Hiểu đúng để làm đúng: Truyền thông thương hiệu nội bộ (P.I)

Bạn có biết thương hiệu đóng góp 33% mức tăng doanh thu trung bình của doanh nghiệp và mặc dù 95% các doanh nghiệp đều có brand guideline (Bộ quy chuẩn thương hiệu bao gồm mọi thông tin liên quan đến thương hiệu) nhưng chỉ 1/4 nội bộ nhân viên nắm được chúng. Trong khi đó, tại Việt Nam, khái niệm Truyền thông thương hiệu nội bộ (Internal Brand Communication) còn vô cùng mới mẻ khi phần lớn người phụ trách Truyền thông nội bộ đã đủ bận rộn trong việc triển khai các sự kiện nội bộ lớn nhỏ hàng tháng cùng với việc duy trì các tuyến bài viết và trang tin nội bộ đơn thuần. Họ làm rất tốt vai trò gắn kết nội bộ và nâng cao trải nghiệm làm việc của nhân viên, nhưng lại bỏ ngỏ một vai trò quan trong khác: Duy trì và phát triển thương hiệu tới nội bộ doanh nghiệp.

Tại phần 1 của bài viết này, mình sẽ chia sẻ Top 4 lý do tại sao Truyền thông thương hiệu nội bộ quan trọng, từ đó hướng doanh nghiệp tập trung hơn trong việc xây dựng các hoạt động phát triển thương hiệu nội bộ tới nhân viên thông qua Truyền thông nội bộ.

Nhân viên nắm rõ mục tiêu và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

Trong truyện “Alice ở xứ sở thần tiên”, Alice đã hỏi chú mèo Cheshire đang vắt vẻo trên cây: “Mèo ơi, tôi nên đi đường nào đây?”

Mèo Cheshire hỏi lại: ”Cô muốn đi tới đâu?”

“Tôi không biết nữa”, Alice đáp.

“Vậy thì đi đường nào chả được, phải không nào?”

Qua một khảo sát của William Schiemann về quản lý hiệu suất, ông đã chỉ ra rằng chỉ 14% nhân viên nắm rõ chiến lược và định hướng của công ty. Điều gì sẽ xảy ra khi phần lớn nhân viên không biết rút cục họ cần đi tới đâu? Bạn hãy tự cho mình câu trả lời.

Truyền thông thương hiệu nội bộ truyền tải được các mục tiêu chính liên quan đến Truyền thông thương hiệu đang triển khai đến nhân viên, từ đó giúp họ nhận thức rõ ràng họ cần đi đường nào để đi đến nơi mình muốn.

Thương hiệu cần nhất quán từ trong ra ngoài

Truyền thông thương hiệu thường chỉ tập trung đến đối tượng khách hàng mục tiêu mà quên rằng nhân viên của doanh nghiệp cũng là tập đối tượng quan trọng không kém. Họ chính là người trực tiếp xây dựng sản phẩm, dịch vụ đến tay khách hàng. Trong khi đó, điều tối trọng của thương hiệu là sự nhất quán từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng so với những gì họ được biết đến thương hiệu qua quảng cáo và các chiến dịch Truyền thông – Marketing. Để duy trì được sự nhất quán này, mọi nhân viên không những cần hiểu rõ về lời hứa thương hiệu (Brand Promise) mà còn cần được trang bị kiến thức và công cụ cần thiết để cùng doanh nghiệp thực hiện lời hứa đó.

Đồng nhất thông điệp truyền thông gửi báo chí với nội bộ

Nếu thông điệp truyền thông gửi báo chí không đồng nhất với thông tin mà nhân viên nhận được, trong một số trường hợp, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng truyền thông, có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh doanh nghiệp. Shel Holtz, giáo sư về quản trị truyền thông chiến lược kiêm giám đốc Truyền thông nội bộ tại Webcor đã có phát biểu như sau: “Tối kị việc nhân viên chỉ biết đến các thông tin liên quan đến công ty từ báo chí và các phương tiện truyền thông. IC Team cần được nắm các thông cáo báo chí cùng tất cả thông tin sắp công bố để kịp thời truyền thông nội bộ và đảm bảo rằng nhân viên sẽ nắm được những thông tin quan trọng này”.

Khiến nhân viên tự hào về doanh nghiệp và sẵn sàng trở thành đại sứ thương hiệu

Thực hiện các chiến dịch truyền thông thương hiệu nội bộ hiệu quả là cách tốt nhất giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu trong mắt nhân viên, từ đó giúp họ có sự gắn kết mạnh mẽ vào sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Khi có niềm tin vào thương hiệu, nhân viên sẽ có động lực làm việc và gắn bó với công ty hơn. Họ tự hào khi làm việc cho thương hiệu họ đã đặt lòng tin và không ngại trở thành những đại sứ thương hiệu tới người thân và bạn bè của họ, góp phần tăng độ nhận diện thương hiệu, doanh số bán hàng và thậm chí thu hút thêm nhân tài gia nhập công ty.

Dù có vai trò quan trọng như vậy, nhưng tiếc rằng phần lớn doanh nghiệp lại chưa thể triển khai truyền thông thương hiệu nội bộ một cách hiệu quả. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến điều này. Thứ nhất, đây là khái niệm còn mới mẻ tại Việt Nam khi Truyền thông nội bộ còn tập trung chủ yếu vào các hoạt động, sự kiện đoàn thể, thậm chí còn bị “quy chụp” là chỉ tổ chức các hoạt động “ăn chơi nhảy múa”, không tạo ra giá trị kinh doanh. Thứ hai, phần lớn người phụ trách Truyền thông nội bộ, đặc biệt là các bạn HR kiêm nhiệm còn thiếu các kỹ năng cần thiết để có thể thực hiện các chiến dịch truyền thông thương hiệu nội bộ hiệu quả. Đó cũng là lý do mình quyết định viết sâu hơn về chủ đề này với mong muốn đưa Truyền thông nội bộ trở về đúng vị trí của nó khi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tại các bài viết tiếp theo, mình sẽ chia sẻ các bước chi tiets giúp người phụ trách Truyền thông nội bộ có thể xây dựng và triển khai các chiến dịch truyền thông thương hiệu nội bộ hiệu quả.

Nguồn tham khảo:

https://www.coursera.org/learn/brand/home/week/4

https://haiilo.com/blog/12-reasons-why-internal-external-communications-go-hand-in-hand/

https://hbr.org/2002/01/selling-the-brand-inside

Be Better Everyday!

Lana Thủy Nguyễn

Bài viết này hữu ích với bạn? Hãy cân nhắc ủng hộ cho blog để blog có thể duy trì phi lợi nhuận, không quảng cáo và phát triển bền vững

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền – Cộng tác trước khi sao chép hay trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

Bạn muốn chia sẻ bài viết này?
Lana Thủy Nguyễn Blog