Vai trò của CEO trong Truyền thông nội bộ

Bất kỳ công ty nào cũng có người đứng đầu, họ là CEOs và founders của công ty. Trong truyền thông – PR, họ là đại diện hình ảnh, tiếng nói của công ty trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Trong truyền thông nội bộ, họ là người xây dựng lên DNAs của công ty như Tầm nhìn, Sứ mệnh và các giá trị cốt lõi (Vision, Mission, Core Values). Là quản lý cao nhất, họ có ảnh hưởng lớn trong việc xác định tông giọng truyền thông nội bộ (tone of voice for internal communication). Bởi vậy, nhất cử nhất động của họ, từ phong cách quản lý đến việc sử dụng kênh giao tiếp với nhân viên đều tác động lên truyền thông nội bộ, cụ thể là mối quan hệ của nhân viên với công ty. Điều này đã được kiểm chứng tại nghiên cứu “The internal communication role of the chief executive officer: Communication channels, style, and effectiveness” (Tạm dịch: Vai trò của CEO trong truyền thông nội bộ: Kênh truyền tải, phong cách và hiệu quả truyền thông) của Linjuan Rita Men.

Bài viết bao gồm tóm lược các kết quả chính của nghiên cứu này cùng một số đúc rút mà người làm truyền thông, đặc biệt là truyền thông nội bộ có thể áp dụng, xây dựng hình ảnh CEOs lên một tầm cao mới trong mắt nhân viên.

Đây là bài viết đầu tiên thuộc chuỗi bài “Truyền thông nội bộ – Dưới góc nhìn khoa học” – tổng hợp các nghiên cứu khoa học trên thế giới về Truyền thông nội bộ dựa trên các lý thuyết truyền thông, khảo sát và phỏng vấn thực tế. Phần lớn các nghiên cứu này nằm trong chương trình Thạc sĩ Truyền thông tại ĐH Gothenburg mà mình đang theo học.

Tóm tắt kết quả nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, Rita Men đã thực hiện khảo sát (web survey) tới 545 nhân sự từ nhiều công ty khác nhau tại Mỹ. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định vai trò của CEOs trong truyền thông nội bộ thông qua việc xác định kênh, phong cách, hiệu quả truyền thông và đặc biệt là cách thức giao tiếp và quản trị của CEOs với nhân viên. Sau đây là các kết quả chính của nghiên cứu này:

  • Hầu hết các CEOs thường xuyên sử dụng email hoặc thông qua các buổi họp 1-1, họp team để trao đổi với nhân viên.
  • Cùng với sự phát triển của social media (Mạng xã hội – MXH), ngày càng có nhiều CEOs nắm bắt xu hướng và xây dựng trang MXH trên Facebook, LinkedIn, Twitter… Tuy nhiên, chỉ rất nhỏ trong số họ sử dụng MXH như một công cụ giao tiếp với nhân viên.
  • Trong khi đó, kết quả nghiên cứ cho thấy sự hiện diện của CEO strên MXH có tác động mạnh mẽ và tích cực lên sự gắn bó của nhân viên với công ty. Cụ thể, những CEOs duy trì xuất hiện trên MXH được đánh giá là người lãnh đạo thân thiện, đồng cảm, thấu hiểu và sẵn sàng lắng nghe. Bên cạnh đó, nhờ các tính năng dễ dàng tạo các cuộc đối thoại hai chiều, MXH góp phần thu hẹp khoảng cách và giúp nhân viên dễ dàng trao đổi với CEOs giúp họ cảm thấy gắn kết hơn với lãnh đạo cấp cao và công ty.
  • Cả hai phong cách giao tiếp và quản trị: “Cởi mở, thân thiện” hay “cứng rắn, quyết đoán” đều có tác động tích cực lên sự gắn kết của nhân viên với công ty. Tuy nhiên, CEOs có phong cách “cởi mở, thân thiện” có ảnh hưởng tích cực hơn khi họ sẵn sàng lắng nghe, đối thoại và mong muốn mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân viên của mình. Nhân viên của họ thường có cảm giác được quan tâm, tin tưởng và gắn bó với doanh nghiệp. Trong khi đó, những CEOs có phong cách “cứng rắn, quyết đoán” khiến nhân viên nhìn nhận họ là một người lãnh đạo mạnh mẽ, đáng tin cậy và từ đó cũng góp phần thúc đẩy niềm tin và cam kết của nhân viên với doanh nghiệp.

Đúc rút dành cho người làm truyền thông

Từ những kết quả nghiên cứu này, chúng ta thấy được dù ở phong cách quản trị hay giao tiếp nào, miễn rõ ràng và nhất quán, CEOs đều có vai trò tích cực trong việc xây dựng và củng cố sự gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, CEOs cần xuất hiện nhiều hơn trước “công chúng” thông qua các kênh MXH như Facebook, LinkedIn,… và trực tiếp tương tác, chủ động lắng nghe nhân viên trên các kênh này. Sự tương tác này giúp họ thiết lập lên tông giọng truyền thông nội bộ cởi mở, minh bạch, hai chiều và góp phần tạo nên hiệu quả tích cực cho phát triển của doanh nghiệp.

Vậy người làm truyền thông có thể làm gì?

Một số gạch đầu dòng mà người làm truyền thông, đặc biệt là truyền thông nội bộ có thể thực hiện nhằm xây dựng, củng cố hình ảnh CEOs với công chúng và nhân viên, từ đó tác động tích cực đến hiệu quả truyền thông của công ty:

  • Thuyết phục CEOs nhận ra tầm quan trọng của họ trong truyền thông và truyền thông nội bộ. Cụ thể hơn là phong cách và cách thức họ giao tiếp với nhân viên có tác động tích cực đến đến sự gắn bó của nhân viên với công ty: Bạn có thể lên một bản đề xuất xây dựng phong cách và củng cố hình ảnh CEOs trên MXH. Trong đó, hãy đính kèm kết quả nghiên cứu này cùng một số ví dụ thực tế về vai trò của CEOs đến hiệu quả truyền thông của doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới. Một số ví dụ thú vị tại Việt Nam như Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Hùng Huy hay CEO Nguyễn Lạc Huy của Schannel.
  • Hỗ trợ, tư vấn CEOs xây dựng phong cách riêng, phù hợp với tính cách, phong cách lãnh đạo của họ và văn hóa doanh nghiệp. Cần đảm bảo phong cách này được nhất quán, xuyên suốt từ hình ảnh đến các phát ngôn với báo chí và MXH.
  • Chuẩn bị cho CEOs danh sách những thông điệp chính (Key message) gắn liền với các mục tiêu truyền thông và kinh doanh của doanh nghiệp cho từng tập đối tượng mục tiêu khác nhau bao gồm các lãnh đạo cấp cao, cấp trung và nhân viên.
  • Trang bị kỹ năng sử dụng các kênh truyền thông cho CEOs: Từ cách thức trao đổi trên email, các buổi họp cho đến các kênh khác như MXH Facebook, LinkedIn và các kênh nội bộ riêng của doanh nghiệp.
  • Khích lệ CEOs cởi mở và “chịu khó” xuất hiện trên MXH thường xuyên hơn. Tại các kênh này, họ nên trực tiếp tương tác và chủ động lắng nghe những mong muốn của nhân viên.
  • Xây dựng các tiêu chí, đơn vị đo lường hiệu quả truyền thông từ CEOs để đánh giá và đúc rút kinh nghiệm cho các hoạt động trong tương lai.

Thông tin chi tiết về bài nghiên cứu này: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0363811115000983

Be Better Everyday!

Lana Thủy Nguyễn

Bài viết này hữu ích với bạn? Hãy cân nhắc ủng hộ cho blog để blog có thể duy trì phi lợi nhuận, không quảng cáo và phát triển bền vững

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền – Cộng tác trước khi sao chép hay trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

Bạn muốn chia sẻ bài viết này?
Lana Thuỷ Nguyễn