Đi xa hơn với “Những lợi thế bất công”

Mình tin rằng để đi xa hơn trên những hành trình khác nhau trong cuộc đời, ai cũng nên có cho mình “những lợi thế bất công.” Đó có thể là năng lực, kỹ năng đặc biệt, kiến thức chuyên môn, các mối quan hệ, cơ hội mà bạn đã biết cách tận dụng hoặc thậm chí là những bài học quý giá từ trải nghiệm riêng biệt của mình.

Năm mình học lớp 10 trong một lớp chọn Khối A của trường, cô giáo dạy Toán điểm một lượt các “anh tài” có mặt trong lớp. Mình cũng được lọt vào Top 5, 6 gì đấy. Cô vừa điểm, vừa đánh giá từng bạn, nào là bạn này thông minh, bạn này nảy số nhanh. Đến lúc đánh giá mình, mình dỏng tai nghe, cô bảo: “Thanh Thuỷ thì chăm chỉ và rất tự tin”.

Ủa sao không phải là “Thanh Thuỷ thì thông minh”?

Lúc ấy mình thấy hơi buồn, đến bây giờ nghĩ lại cũng thấy buồn, nhưng mà minh vẫn luôn quý mến cô.

Chưa đầy 1 năm sau, mình, từ Top 5, 6 nhờ chịu khó “cày bừa” mà trở thành Top 1, một “dân đen” được cái “tự tin” tham gia hết hoạt động này nọ trong trường mà trở thành lớp phó Văn Thể Mỹ rồi “leo rank” thành lớp trưởng, cũng là người duy nhất trong trường sau đó dám thi và đậu Ngoại Thương.

Mình kể ra chả phải để khoe mẽ là mình tài giỏi, thông minh hay gì. Mình chỉ khoe là mình “chăm chỉ và tự tin” thôi.

Lên Đại học, dù “chăm chỉ và tự tin” không giúp mình có được điểm GPA cao, nhưng chúng lại giúp mình đạt giải Nhất cuộc thi Bản lĩnh Marketer và giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Tài năng Lương Văn Can. Thậm chí, mình từng đạt cả giải Nhất cuộc thi Bye Bye Lable của Kotex, và suýt đóng MV cùng Suboi với giải thưởng này.

Nếu không phải ngày quay MV trùng với ngày thi cuối kỳ môn Lý thuyết Trò chơi hoặc mình bỏ thi ngày hôm ây, có khi nào, sự “chăm chỉ và tự tin” lại giúp mình trở thành một Rapper?

Mình luôn biết rõ, “chăm chỉ và tự tin” chính là “lợi thế bất công” của mình.

Khi còn làm ở Cốc Cốc, ban đầu, công việc của mình là làm Truyền thông nội bộ. Khác với nhiều người cùng làm ở vị trí này, mình có tư duy của một người làm Marketing. Cách mình tổ chức sự kiện, làm truyền thông cũng khác biệt. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của mình. Mình quyết định viết Blog, tạo khoá học miễn phí, chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế trong công việc này. Chỉ hơn 1 tháng, khoá học miễn phí của mình đạt gần 2000 người học, bao gồm rất nhiều bạn là sinh viên và cả những bạn trẻ quan tâm.

Về sau, chính Blog và Khoá học chia sẻ kiến thức này đã trở thành điểm nhấn trong hồ sơ xin học bổng của mình.

Khi quyết tâm theo đuổi Hành trình Săn học bổng, mình đánh giá lại những lợi thế của bản thân. Nếu tiếp tục làm Truyền thông nội bộ, mình vẫn chưa đủ sức để cạnh tranh. Nhưng mình nhận ra, mình có lợi thế là làm việc tại Cốc Cốc – một trình duyệt và công cụ tìm kiếm với 25 triệu người dùng. Mình quyết định chuyển sang làm Truyền thông Thương hiệu, phụ trách các dự án có thể tạo ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Sau dự án đầu tiên – Chiến dịch Khiên Xanh, với mục đích nâng cao nhận thức an toàn an ninh mạng và đã tiếp cận 22 triệu người dùng, mình tiếp tục đề xuất, kết nối với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ triển khai hàng loạt các dự án liên quan đến chủ đề An toàn An ninh mạng. Các dự án này vừa có lợi cho hình ảnh thương hiệu của Cốc Cốc, vừa có lợi cho người dùng, và trở thành “lợi thế cạnh tranh” cho chính hồ sơ của mình.

Khi quyết định làm Youtube, mình biết rõ, “lợi thế cạnh tranh” của mình là một người có xuất phát điểm bình thường, nhưng nhờ sự nỗ lực và vững tin vào bản thân, mình đã thành công chinh phục ước mơ du học kéo dài hàng chục năm trời. Đây là động lực để mình chia sẻ câu chuyện và tạo cảm hứng cho bạn trẻ từng giống mình trước đây có thêm động lực theo đuổi ước mơ. Vì vậy, dù hiện tại kênh còn khá nhỏ, nhưng mình tin với lợi thế này cùng với “sự chăm chỉ”, kênh của mình sẽ còn đi xa hơn nữa.

Gần đây, mình có được công việc trong mơ tại IKEA of Sweden. Các bạn mình hỏi tại sao mình có thể nhận được công việc làm Truyền thông ở đây, khi họ thậm chí từng là Trưởng phòng Truyền thông ở Việt Nam cũng không qua nổi vòng đơn, mình chỉ trả lời: “Là nhờ mình làm Youtube và viết Blog”.

Trong hàng trăm hồ sơ gửi về, mình là người duy nhất ngoài những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết cho công việc – giống như hàng trăm người khác, còn làm Youtube, viết Blog và thể hiện khả năng Content Creation mà Communication Team đang tìm kiếm.

Mình từng viết về Những bất công trong cuộc đua săn học bổng và nhận được rất nhiều quan tâm của các bạn trên Threads. Không chỉ trong việc săn học bổng mà trong bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống cũng luôn tồn tại sự bất công. Bạn mình đọc bài Threads mình viết, hỏi mình: “M thấy bất công lắm à?”. Không, trái lại, mình thầm cảm ơn những sự bất công đó vì nhờ chúng mà với những “lợi thế bất công” mình có được, mình có thể đi xa hơn, xa cả nửa vòng trái đất và chạm tay tới những ước mơ mà mình từng chỉ dám mơ ước.

Bạn đang đọc bài viết thứ 12 thuộc chuỗi 30 bài viết trong “Thử thách 30 ngày viết Blog”. Trong những ngày tiếp theo, mình sẽ liên tục đăng tải bài viết mới hàng ngày trên blog. Chủ đề sẽ xoay quanh hành trình học, làm, khám phá và phát triển bản thân. Sẽ rất nhiều bài viết trong số đó là những suy nghĩ ngẫu hứng, những bài học mình chiêm nghiệm và cả những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hiện tại của mình.

Đọc thêm các bài viết khác:

Ngày 1Hãy cứ so sánh mình với người khác

Ngày 2: “You should be proud of yourself”

Ngày 3: Ba thùng carton IKEA

Ngày 4: Vết sẹo bốn mũi khâu

Ngày 5: Tạm biệt Gothenburg

Ngày 6: Chuyện làm Youtube và tương lai của kênh

Ngày 7: My location: Lund

Ngày 8: Điều gì khiến ước mơ trở thành sự thật

Ngày 9: Những bất công trong cuộc đua săn học bổng

Ngày 10: IKEA of Sweden

Ngày 11: Lười một chút cũng chả sao

Ngày 12: Đi xa hơn với “Những lợi thế bất công”

Ngày 13: Bí mật “ghi điểm” trong mắt bạn bè quốc tế

Ngày 14: Hành trình tìm việc tại Châu Âu

Ngày 15: Muốn đi nhanh và xa thì đi một mình

Ngày 16: Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì

Ngày 17: Mừng cho những thành tựu nhỏ bé

Ngày 18: Cứ xong trước đã – Get things done!

Ngày 19: Không tình yêu tuổi 30

Ngày 20: Hiểu chính mình để yêu bản thân đúng cách

Ngày 21: Sự thật hành trình săn học bổng

Ngày 22: Let it be!

Ngày 23: Chấp nhận một cuộc sống không hoàn hảo

Ngày 24: 10 phút thay đổi cuộc đời

Ngày 25: Nói về đi bộ và Yoga

Ngày 26: Săn học bổng không chỉ vì học bổng

Ngày 27: Burn-out

Ngày 28: Can I have it all?

Ngày 29: Be Better Everyday

Ngày 30: Điều gì xảy ra sau “Thử thách 30 ngày viết Blog”

Cùng đi với mình nhé! Hẹn gặp lại bạn vào ngày mai!

Be Better Everyday,

Lana Thuỷ Nguyễn

Bạn muốn chia sẻ bài viết này?
Lana Thuỷ Nguyễn