Tạm biệt Thuỵ Điển & Du học lần thứ 2 tại Paris

Chào bạn, gần đây bạn có gì mới không? Còn mình đang trong hành trình du học lần thứ 2, khi chia tay Gothenburg, Thuỵ Điển và bắt đầu cuộc sống mới của du học sinh tại Paris, Pháp.

Tạm biệt Thuỵ Điển

Tuần cuối của mình ở Thuỵ Điển trước khi qua Pháp vô cùng đặc biệt. May mắn thay mình đã lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ này tại Vlog mới nhất của mình. Xem lại vlog, mình nhận ra tuần cuối cùng này như gói gọn cuộc sống của mình tại xứ Bắc Âu với bạn bè, thiên nhiên, học, làm, những sự cố từ trên trời rơi xuống và cả những điều may mắn nữa. Bạn có thể xem vlog này tại đây.

Mình đã đến Paris

Tại bài viết Truyện trò sau những kỳ thi, mình từng nhắc đến việc mình sẽ đi exchange tại Paris. Và oui, mình đã ở Paris tròn 1 tuần. Khác với cái lạnh ẩm ướt của Gothenburg, Paris những ngày gần đây nắng nhuộm vàng khắp thành phố. Ở trong nhà thì không sao, nhưng ra ngoài đường tầm từ 11 giờ trưa đến 5 giờ chiều là xác định nóng như đổ lửa. Bù lại bầu trời trong vắt và thời tiết trở nên dễ chịu hơn vào mỗi sớm hoặc lúc xế chiều. Nhà mình chỉ cách sông Sein vài bước chân, và mỗi khi ra đây ngắm nhìn dòng nước chảy dưới chân cầu, mình thấy bản thân như lạc trong một thước phim cổ điển. Tiếng Pháp bên tai cùng tiếng lá cây rung xào xạc mỗi đợt gió đưa qua càng khiến mọi thứ trở nên thơ hơn bao giờ hết.

Sông Sein chỉ cách nhà mình vài bước chân

Mình vẫn chưa thể tin, mình đang ở Paris! Vlog về những ngày đầu tiên ở Paris sẽ lên sóng vào thứ Tư tuần tới trên kênh Youtube của mình nhé!

Khi đến đây, mình mất tầm 2 ngày đầu tiên để dọn dẹp và mua sắm mọi thứ. Mình có cảm giác như đi du học lần đầu, vừa bỡ ngỡ vừa hào hứng. Thường thì sang ngày thứ 3 ở một đất nước hay thành phố mới, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ dần quen thuộc. Mọi việc từ đi lại, mua sắm,…đều trở nên dễ dàng hơn. Tất nhiên, mình không quên mình đang ở Paris, một trong những thành phố đẹp nhất và cũng là một trong những thành phố có nhiều tệ nạn và dân nhập cư nhất. Khi đi ra ngoài, nhất là dưới tàu điện ngầm, mình không để bản thân lơ là hay lướt điện thoại trong vô thức. Trang phục thường ngày của mình thường sẽ gắn liền với túi đeo chéo ôm gọn trước ngực và khoác thêm một áo dài tay mỏng choàng ngoài túi. Khi đi dưới lối vào tàu điện ngầm, mình thường cố gắng đi sát nhóm người “nhìn có vẻ tử tế” đằng trước. Nói tóm lại là mình bật mode “tự vệ” fulltime mỗi khi ra ngoài. =))

Trường mới, bạn mới

Tuần vừa rồi, trường mình tổ chức chuỗi sự kiện Welcome Week dành cho lứa sinh viên exchange năm nay. Các sự kiện diễn ra đều được đầu tư kỹ lưỡng. Bạn mình xem clip mình gửi còn buông nhận xét: “Cứ như lễ ra mắt iPhone”. So với University of Gothenburg của mình bên Thuỵ, Paris Dauphine University cũ kỹ hơn nhiều. Bốn toà nhà hiện tại của trường vẫn giữ nguyên kiến trúc từ thập niên 1960s, và hiện trường đang xây sửa thêm một toàn nhà mới. Tuy vậy, Paris Dauphine là một trong những ngôi trường danh giá bậc nhất tại Pháp và luôn đạt top 50 ranking toàn cầu. 90-95% sinh viên được nhận vào trường thường nằm trong top 1 tại các trường cấp 3 ở Pháp. Lúc đi bộ trên đồi Mortmantre, có chú bán hàng rong nói chuyện rồi hỏi mình học trường nào. Khi biết mình học tại Paris Dauphine, chú liền giơ ngón cái cùng biểu cảm kiểu thán phục.

Lần exchange năm nay, trường thông báo có hơn 300 sinh viên đến từ gần 60 quốc gia. Việc tham gia hoạt động trong tuần này là cơ hội để các tân sinh viên gặp gỡ và làm quen với nhau. Nhờ vậy mà mình đã quen được 1 đám bạn mới, từ Hàn, Ý, Mỹ, Đức, Ba Lan và Canada. Đám này khi biết mình 31 tuổi liền há hốc mồm (mình kể lúc đang ăn trưa với nhau, thành ra nhìn chúng nó ố á mà phải cười sặc) vì tụi nó chỉ loanh quanh 22, 23 tuổi và nghĩ mình chỉ hơn tụi nó cùng lắm 2 tuổi làm mình sướng rơn. Khi có tuổi thì việc được khen trẻ một cách trực tiếp hay gián tiếp đều dễ dàng khiến bạn vui cả ngày.

Chuyện học

Lúc đăng ký môn học trong hè, mình trao đổi thư từ khá nhiều với cô Coordinator phụ trách quản lý sinh viên trong khối Bắc Âu. Đại khái là mình cò kè qua lại về việc muốn đăng ký mấy môn Marketing Communication thuộc chương trình Cử nhân ở trường, vì mấy môn thuộc chương trình Thạc sĩ “í ẹ” quá. Còn cô ấy thì một mực nói rằng mình đang học Thạc sĩ thì chỉ được nộp cho mấy môn của Thạc sĩ thôi, làm mình phải ngậm ngùi chọn mấy môn mình thấy đỡ tệ nhất. Mình tặc lưỡi, thôi coi như đi trải nghiệm là chính.

Nhưng khi gặp mấy đứa bạn mới, hỏi ra mới biết bé người Ý cũng đang học Thạc sĩ có thể nộp mấy môn của Cử nhân, mình phi như bay đến phòng International Affair, gặp đúng cô Coordinator kể lể, giãi bày mong muốn được đăng ký lại…80% môn học đã chọn (trước đó trong 1 session trình bày, trường có nói sinh viên không thể chọn lại môn đã đăng ký vì trường đã châm chước mở đơn đăng ký 2 lần trong hè rồi). Mình không quên bôi thêm mấy câu kiểu giá như mình có thể nộp từ hè thì đã không đến cơ sự này, nhưng tuyệt nhiên mình tránh trách móc, chỉ nói là mình hiểu có thể có miscommunication ở đây. Cô Coordination bối rối nói rằng năm nay có nhiều thay đổi mới, khiến chính sách áp dụng tại các home universities khác nhau, nhưng cô sẽ đánh tiếng với bên phụ trách môn học, và bảo mình hãy qua vào sáng sớm hôm sau để gặp họ trực tiếp.

Hôm sau, mình gõ cửa văn phòng phụ trách môn học từ sớm, tiếp tục giãi bày kèm thái độ thành khẩn. Hai thầy cô phụ trách ban đầu còn tỏ ra nghiêm nghị, nhưng sau khi nghe mình tâm sự, liền gật đầu ngay, rồi hỗ trợ mình đổi 60% số môn. Thầy nói rằng đó là tất cả những gì họ có thể làm cho mình lúc này vì mấy môn còn lại đều kín sinh viên rồi. Nhìn 2 môn trong danh sách cũ có môn Cross-cultural Communication, mình mếu máo, nói thầy liệu có thể có cách nào cho em thay thế môn này bằng môn Marketing Communications mà em mê mẩn không, vì em đã học 2 môn Intercultural Communication tại trường ở Thuỵ rồi. Thầy xoa cằm một lúc suy nghĩ, xong buông lời vàng ngọc: “Thầy sẽ làm một điều mà thầy không nên làm, đó là đăng ký cho em vào lớp Marketing Communications dù lớp đã kín chỗ”. Mình sướng muốn xỉu, vì kể cả mình có đăng ký lớp này từ hè đi chăng nữa thì cũng khó có cơ may được vào vì lớp thường kín chỗ ngay mấy giây đầu khi web đăng ký tín chỉ mở ra. Giờ nhìn lại thời khoá biểu từ tuần sau với 3 môn học về Marketing mà mình thích, 1 môn về Management và 1 môn tiếng Pháp vỡ lòng, mình thấy mãn nguyện vô cùng. Đây chắc chắn sẽ là một kỳ học đáng nhớ!

Kế hoạch của mình trong thời gian tới

Nếu xem Vlog Tuần cuối cùng tại Thuỵ Điển, bạn sẽ nghe mình tâm sự về việc 2 sếp của mình đã cố gắng như thế nào để có thể sắp xếp một hợp đồng part-time mới của mình tại Pháp. Gaby nói: “Trong 2 tuần tới, em cứ ổn định cuộc sống và trải nghiệm Paris. Sau đó mình sẽ làm việc với nhau 20 giờ mỗi tuần. Tuần nào em bận, có thể 10 – 15 giờ cũng được, cứ nói với chị.” Vậy là khác với năm nhất, năm nay, mình sẽ vừa học và vừa làm.

Sáng nay khi lên lại kế hoạch mỗi tuần, mình nhận ra khối lượng công việc của mình đang hơi quá tải, khi học cùng lúc 5 môn, làm việc 20 giờ, quay dựng 1 Youtube video và đăng tải 1 Blog post, tất nhiên cả thời gian khám phá Paris nữa. Hiện mình sẽ thử duy trì khối lượng công việc như vậy trong 2 tuần tới và cố gắng hết sức để có thể đều đặn chia sẻ các nội dung chất lượng tới các bạn.

Vậy thôi, cảm ơn bạn đã luôn theo dõi mình. Bạn chính là động lực để mình tiếp tục chia sẻ trên Blog đó!

Be Better Everyday,

Lana Thuỷ Nguyễn

Bạn muốn chia sẻ bài viết này?
Lana Thuỷ Nguyễn