Trong suốt hai năm du học xa nhà, mình đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ niềm vui sướng khi lần đầu thấy tuyết, đi thuyền qua ngôi làng cổ tích Hallstatt, dạo bước trong phim trường Game of Thrones, ngày ngày băng qua sông Seine, hay lang thang trong khu rừng vàng rực sắc thu ở Munich… Và đương nhiên, có cả những khoảnh khắc cô đơn đến cùng cực. Hôm nay, mình muốn kể về một trong những khoảnh khắc đó, một câu chuyện gắn liền với vết sẹo bốn mũi khâu.
Đó là một ngày xuân giữa tháng 4 ở Gothenburg. Ngày hôm đó cũng như bao ngày khác, mình bắt đầu với chu trình quen thuộc: sáng dậy, chuẩn bị cá nhân rồi viết khóa luận để kịp với deadline vài ngày tới. Buổi trưa nấu ăn, dọn dẹp, rồi sẽ lại viết. Theo tiến độ hiện tại, mình có thể sẽ nộp bản nháp này cho thầy hướng dẫn sớm một hôm.
Khi chuẩn bị bữa trưa, mình nhìn thấy trên giá úp bát có một số bộ phận tháo rời của chiếc máy xay sinh tố, trong số đó là cả lưỡi dao thép chìa ra. Chắc chắn đó là đồ của Freya, cô bạn người Thụy Điển cùng khu ký túc, vì Freya thường hay quên cất đồ sau khi rửa. Mình tự nhủ phải thật cẩn thận để không quẹt phải, không là phiền lắm.
Ăn trưa xong, mình thường có thói quen vừa rửa bát vừa nghe podcast. Cuốn theo câu chuyện trên podcast, mình úp bát vô giá đồ. Như thường lệ, mình dùng khăn lau, lau quanh bồn rửa và luồn tay dưới giá đồ để lau khô phần nước ở đây thì bỗng: “Rẹt”. Một vết cắt dài, sâu hoắm trên cánh tay phải mình. Hai mép vết thương hở nhẹ, lộ ra phần da thịt phía trong. Mình đã quẹt phải chính lưỡi dao thép đó.
Lúc đó, nhà trống vì các bạn đều đang ở trường cả. Mình hoảng loạn, nhanh chóng dùng tay ấn chặt vết thương vào đùi để cầm máu. Mình nhớ đến túi thuốc trên tủ. Vội vàng chạy vào phòng, mở cánh tủ, mình dùng tay trái chới với lấy bịch thuốc ở hộc tủ phía trên. Túi thuốc rơi xuống, mọi thứ vương vãi và lộn xộn trên sàn nhà.
Mình chao đảo, tự trấn an bản thân phải thật bình tĩnh. Xem nào, mình cần gạc và băng để băng vết thương trước. Tìm gạc và băng trong mớ đồ vương vãi, mình ngồi phịch xuống đất, dùng tay trái và đùi làm điểm tựa để băng vết thương lại. Toàn thân mình run lẩy bẩy. Mất một lúc mình mới có thể cắt miếng băng y tế bằng tay trái để cố định miếng gạc. Ôm cánh tay quấn băng vào người, đã tạm ổn rồi, nhưng mình vẫn sợ, rất rất sợ.
Hít vào, thở ra, không sao, không sao. Mình đang bị thương, nhưng tạm thời nó không còn chảy máu nữa. Làm tốt lắm.
Xem nào, đầu tiên, mình cần tìm trạm y tế gần nhất. Mình gửi tin nhắn thoại trong group chat với bạn bè tại Gothenburg cập nhật tình hình. Chưa đầy 1 phút sau, bạn mình gọi điện và cho mình địa chỉ trạm y tế cách nhà mình chỉ hơn 400m.
Sau đó, mình gọi điện cho chị gái mình đang làm nha sĩ ở Việt Nam. Chị hỏi mình về tình trạng cầm máu, chỉ dẫn mình tận dụng túi thuốc sẵn có để uống trước viên chống viêm và giảm đau.
Vài phút sau cuộc gọi với chị là những cuộc gọi liên tục từ bố mẹ và các em mình.
Mình cập nhật với mọi người tình hình, rằng mình sẽ ổn thôi. Em gái mình nói: “Chị thật mạnh mẽ. Nếu là em, em không biết phải làm sao.”
Mình uống thuốc, nghỉ ngơi một lúc rồi đi bộ ra trạm y tế. Cô y tá đón mình sau khi kiểm tra vết thương quyết định gọi bác sĩ vì vết thương sâu cần phải khâu. Ngồi đợi bác sĩ trong 15 phút trên chiếc giường phủ drap trắng, mình nhìn chằm chằm vào vết thương trên tay đang được đậy tạm bằng miếng gạc, nghĩ thầm: “Vậy là sẽ có thêm một vết sẹo nữa.”
Bốn mũi khâu kèm miếng dán tự tiêu tại hai mép vết thương, bác sĩ chỉ dẫn mình quay lại tái khám sau 1 tuần để cắt chỉ.
Sau đó mình lại đi bộ một mình về nhà.
Với cánh tay băng, mình vẫn có thể xoay xở nấu ăn bằng cánh tay trái còn lại.
Với cánh tay băng, nếu lựa được, mình vẫn có thể gõ chữ chậm thật chậm. Mình email xin thầy hướng dẫn nộp muộn bản nháp ba hôm với lý do cá nhân.
Mình không nói gì với Freya hay bất cứ ai trong nhà về “tai nạn” này. Mình chỉ lặng lẽ cất gọn lưỡi dao thép vào một chiếc hộp nhỏ đặt cạnh giá úp bát đó.
Mình nghĩ về lời nói của em mình: “Chị thật mạnh mẽ…”
Cho đến buổi tối hôm ấy, vẫn như mọi khi, một mình trong căn phòng quen thuộc, mình thấy mình khóc nghẹn.
Để sống một cuộc sống mà mình từng mơ ước, mình đã phải đánh đổi nhiều thứ, và một trong số đó là phải tự làm quen và xoay xở với cuộc sống một mình. Mình biết rằng gia đình và bạn bè sẽ luôn quan tâm, ủng hộ mình, sẽ mãi là thế. Mình cũng có thể tự chăm sóc bản thân. Nhưng sẽ thật tốt nếu có ai đó đã ở bên mình vào ngày hôm ấy.
Chỉ mất 3 ngày để cánh tay mình không còn quá đau nhức, mất gần một tháng để nỗi sợ dao kéo và hình ảnh vết cắt mới rỉ máu không còn ám ảnh mình. Dù vậy, vết sẹo bốn mũi khâu này có lẽ sẽ không bao giờ mờ đi.
Nhưng mình không hề ghét bỏ vết sẹo này. Mỗi lần nhìn vào vết sẹo, mình biết em mình nói đúng, rằng: Mình đã mạnh mẽ đến nhường nào.
Bạn đang đọc bài viết thứ tư thuộc chuỗi 30 bài viết trong “Thử thách 30 ngày viết Blog”. Trong những ngày tiếp theo, mình sẽ liên tục đăng tải bài viết mới hàng ngày trên blog. Chủ đề sẽ xoay quanh hành trình học, làm, khám phá và phát triển bản thân. Sẽ rất nhiều bài viết trong số đó là những suy nghĩ ngẫu hứng, những bài học mình chiêm nghiệm và cả những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hiện tại của mình.
Đọc thêm các bài viết khác:
Ngày 1: Hãy cứ so sánh mình với người khác
Ngày 2: “You should be proud of yourself”
Ngày 3: Ba thùng carton IKEA
Ngày 4: Vết sẹo bốn mũi khâu
Ngày 5: Tạm biệt Gothenburg
Ngày 6: Chuyện làm Youtube và tương lai của kênh
Ngày 7: My location: Lund
Ngày 8: Điều gì khiến ước mơ trở thành sự thật
Ngày 9: Những bất công trong cuộc đua săn học bổng
Ngày 10: IKEA of Sweden
Ngày 11: Lười một chút cũng chả sao
Ngày 12: Đi xa hơn với “Những lợi thế bất công”
Ngày 13: Bí mật “ghi điểm” trong mắt bạn bè quốc tế
Ngày 14: Hành trình tìm việc tại Châu Âu
Ngày 15: Muốn đi nhanh và xa thì đi một mình
Ngày 16: Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì
Ngày 17: Mừng cho những thành tựu nhỏ bé
Ngày 18: Cứ xong trước đã – Get things done!
Ngày 19: Không tình yêu tuổi 30
Ngày 20: Hiểu chính mình để yêu bản thân đúng cách
Ngày 21: Sự thật hành trình săn học bổng
Ngày 22: Let it be!
Ngày 23: Chấp nhận một cuộc sống không hoàn hảo
Ngày 24: 10 phút thay đổi cuộc đời
Ngày 25: Nói về đi bộ và Yoga
Ngày 26: Săn học bổng không chỉ vì học bổng
Ngày 27: Burn-out
Ngày 28: Can I have it all?
Ngày 29: Be Better Everyday
Ngày 30: Điều gì xảy ra sau “Thử thách 30 ngày viết Blog”
Cùng đi với mình nhé! Hẹn gặp lại bạn vào ngày mai!
Be Better Everyday,
Lana Thuỷ Nguyễn