Có một điều mình nghiệm ra sau nhiều năm tự mình va vấp và những khoảng thời gian stress đến nghẹt thở: Muốn cân bằng cảm xúc, muốn đi xa trong cuộc sống, bạn phải cảm thấy mình đang làm chủ nó.
Cảm giác mất kiểm soát chính là thứ dễ dàng kéo bạn xuống vực sâu nhất. Và cách để mình giữ mình vững vàng giữa những chông chênh trong cuộc đời, là luôn có một kế hoạch B. Khi bạn đang dồn hết tâm sức cho kế hoạch A: Có được công việc trong mơ hay đạt một học bổng danh giá thì một phần trong bạn luôn biết rằng “Nếu chuyện này không suôn sẻ, mình vẫn có con đường khác”. Điều này không chỉ giúp bạn tránh khỏi việc tự tạo áp lực cho chính mình mà còn cho bạn động lực để tiếp tục tiến lên. Với mình, kế hoạch B giống như tấm đệm an toàn. Mình có thể cố gắng hết mình, vì mình biết nếu có lỡ rơi xuống, mình không thể vỡ vụn.
Mình đã chia sẻ rất nhiều trong các video trên Youtube về hành trình săn học bổng của mình, cụ thể: Kế hoạch A của mình là giành được học bổng chính phủ toàn phần. Nhưng đồng thời, mình cũng chuẩn bị kế hoạch B: sẵn sàng du học tự túc với sự hỗ trợ học phí từ các trường đại học, hoặc tìm những quốc gia có học phí thấp hơn. Kết quả là mình đã đạt được học bổng toàn phần của Chính phủ Thụy Điển SISGP. Nhưng chỉ riêng việc biết rằng mình có kế hoạch B để đạt được ước mơ du học đã giúp mình kiên định và hết mình để theo đuổi kế hoạch A.
Video “Hành trình tìm việc tại Châu Âu” của mình khá viral trên Youtube, nhưng có một sự thật mình chưa chia sẻ trong video đó (mình chỉ chia sẻ tại một số bài viết trên blog). Đó là ngoài kế hoạch A: có công việc tốt tại một công ty lớn mức lương đáng mơ ước tại Châu Âu, thì kế hoạch B của mình là: nếu sau 8 tháng không tìm được việc, mình sẽ dùng 4 tháng còn lại để sống tại miền Nam Pháp, Lisbon, Sevilla, Istanbul rồi về Việt Nam bắt đầu các dự án start-up mình đã ấp ủ từ lâu. Suy nghĩ về kế hoạch B này thực sự khiến mình hào hứng. Và như bạn đã biết, mình đã đạt được kế hoạch A.
Viết đến đây khiến mình nhận ra một tác dụng tuyệt vời khác của việc có kế hoạch B: Nó khiến mình quyết tâm và đạt được kế hoạch A tới cùng. Theo hệ tâm linh, thì việc có kế hoạch B giống như “lá bùa” giúp mình đạt được điều mình muốn (haha).
Có kế hoạch B không có nghĩa là chúng ta có quyền “lơ là” kế hoạch A nhé. Hãy dốc 200% sức lực của bạn vào kế hoạch A trong một khoảng thời gian đã định sẵn. Mình ủng hộ tinh thần “cố gắng hết mình”, nhưng bạn cần có kế hoạch cho sự “cố gắng hết mình” đó. Cụ thể hơn: Mục tiêu của bạn là gì? Bạn cần làm gì để đạt được mục tiêu đó? Bao giờ làm và làm đến bao giờ? Chứ cứ chỉ có mục tiêu, rồi hô hào “mình sẽ cố gắng hết mình để đạt học bổng”, xong cũng chẳng có hành động hay thời hạn cụ thể nào thì hoặc sẽ khiến bạn dễ dàng bỏ cuộc, hoặc sẽ khiến bạn cố gắng đến kiệt sức mà thôi.
Quay trở lại chủ đề: Nếu sau mốc thời gian cuối cùng mà kế hoạch A vẫn không suôn sẻ, hãy sẵn sàng kích hoạt kế hoạch B của bạn.
Gần đây, trên News Feed các trang mạng xã hội của mình rôm rả về kết quả của các học bổng chính phủ. Phần lớn các bài đăng là thông báo về việc đạt được học bổng, những lời cảm ơn, tri ân,…số ít thì tỏ lòng buồn bã vì bỏ lỡ cơ hội năm nay. Nói đến săn học bổng, với 95% các bạn không đạt được “kế hoạch A” trên hành trình này thì mình muốn nói với các bạn một điều: Nếu đã cố gắng hết sức thì không còn gì phải hối tiếc cả. Đừng quên, nếu kế hoạch A không đạt được, chúng ta vẫn có những kế hoạch B, C, D,… Đừng ngại thay đổi kế hoạch và cho mình những lối rẽ mới.
Vì mọi con đường, rồi cũng tới thành Rome!
Be Better Everyday,
Lana Thủy Nguyễn