Người ta nói: “Ngừng so sánh bản thân với người khác” vì mọi sự so sánh đều khập khiễng. Chúng ta có xuất phát điểm, cuộc sống và những ảnh hưởng khác nhau. Nếu cứ tiếp tục so sánh, dễ khiến ta tự ti và có những suy nghĩ tiêu cực.
Mình chỉ đồng ý một phần với điều này
Theo mình, vấn đề nằm ở cách chúng ta phản ứng với sự so sánh. Khi để cảm giác thua kém hay ghen tị lấn át, so sánh trở thành gánh nặng. Nhưng nếu coi so sánh là công cụ để nhận ra những điều cần cải thiện, học hỏi từ thành công của người khác và từ đó phát triển bản thân, thì nó sẽ là động lực giúp chúng ta tiến gần hơn đến phiên bản mà mình mong muốn trở thành.
Mình từng, và vẫn sẽ luôn so sánh bản thân với người khác
15 năm trước, mình – “con gái cô bán bánh cuốn” được nghe kể về “con gái cô bán khăn mặt” – một người chị hơn mình 4 tuổi mà mình chưa bao giờ gặp, học tại Ngoại Thương và được Học bổng đi du học Mỹ. Mình khi ấy đang chuẩn bị vào lớp 12, dù trước đó còn chưa biết mình sẽ thi Đại học nào, liền ngay lập tức biết mình muốn gì: Vào Ngoại Thương, sau đó sẽ đi du học Mỹ.
Thêm vài cái “context” để bạn hiểu được tại sao cái quyết định thi vào Ngoại Thương này của mình nó khiến rất nhiều người ngờ vực khi ấy (Mình chỉ nói với mọi người về ý định muốn thi vào Ngoại thương, còn chuyện đi Mỹ thì không ai biết cả). Mình chỉ học trường cấp ba bình thường gần nhà, không phải mình không thể học chuyên, đơn giản là mình hay đi học muộn, mà trường chuyên thì cách nhà mình cả chục cây số. Dù học trường thường, nhưng mình cũng là lớp trưởng lớp chọn, học hành cũng thuộc dạng “trâu bò”, lúc nào cũng Top 1 hoặc Top 2.
Nói về việc so sánh với người khác thì cái vị trí Top 1, 2 đấy cũng có lý do. Hồi lớp 10, lớp trưởng cũ của lớp mình học giỏi nhất lớp và được bầu làm lớp trưởng. Mình lúc đó học hành cũng thuộc diện khá, nhưng vì muốn được như bạn ấy, mình bắt đầu cày ác liệt và tham gia hoạt động đoàn thể rất năng nổ. Nhờ vậy mà từ vị trí “dân đen”, mình được lên làm lớp phó văn thể mỹ, và đến đầu năm lớp 11 thì được bầu làm lớp trưởng.
Quay trở lại chuyện thi Ngoại Thương. Dù học khá nhưng vì học trường thường, nên khi mình nói với bạn bè và thầy cô về ý định của mình, ai cũng khuyên nên chọn trường khác để có cơ hội đậu cao hơn. Lý do dễ hiểu là: Suốt 9 năm thành lập trường, chỉ có duy nhất 1 đàn anh dám thi vào Ngoại Thương, chưa có ngoại lệ thứ hai.
Và như các bạn đã biết, mình đậu Ngoại Thương.
Bốn năm trước, cũng tầm thu như thế này, vào một ngày nghỉ cuối tuần, thay vì ngủ trưa, mình đã ngồi “stalk” nát blog và Facebook của một người bạn mà mình vô cùng ngưỡng mộ từ thời Đại học. Bạn từng là sinh viên học giỏi nhất khoa, tham gia cùng lúc cả hai CLB mà mình từng thi và rớt cả hai, từng đi trao đổi ở Nhật và vào thời điểm ấy đang du học ở Na Uy với một học bổng toàn phần. Mình so sánh bản thân mình với bạn. Mình cũng từng có ước mơ đi du học, những cả hơn chục năm trước đấy, nhưng rồi dần dần, ước mơ ấy bị bỏ quên, lơ lửng ở đâu chẳng rõ. Chính lúc ấy, mình nhận ra đã đến lúc phải thay đổi. Thế là mình bắt tay vào tìm hiểu và chuẩn bị cho những bộ hồ sơ đầu tiên.
Mới tuần trước thôi, mình qua Oslo thăm người bạn đó. Mình thấy mình từ gian chợ cóc của mẹ, góc lớp của một ngôi trường bình thường và căn gác nhỏ mùa thu năm ấy, đi cả một quãng đường dài vạn dặm, đã và đang sống trong chính ước mơ mình từng chỉ dám mơ ước, ngồi cùng bạn nói về những kế hoạch riêng của cả hai.
Mình tự hỏi: Mình sẽ ở đâu, nếu không so sánh với người khác?
Đây là bài viết đầu tiên thuộc chuỗi 30 bài viết trong “Thử thách 30 ngày viết Blog”. Trong những ngày tiếp theo, mình sẽ liên tục đăng tải bài viết mới hàng ngày trên blog. Chủ đề sẽ xoay quanh hành trình học, làm, khám phá và phát triển bản thân. Sẽ rất nhiều bài viết trong số đó là những suy nghĩ ngẫu hứng, những bài học mình chiêm nghiệm và cả những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hiện tại của mình.
Cùng đi với mình nhé! Hẹn gặp lại bạn vào ngày mai!
Đọc thêm các bài viết khác:
Ngày 1: Hãy cứ so sánh mình với người khác
Ngày 2: “You should be proud of yourself”
Ngày 3: Ba thùng carton IKEA
Ngày 4: Vết sẹo bốn mũi khâu
Ngày 5: Tạm biệt Gothenburg
Ngày 6: Chuyện làm Youtube và tương lai của kênh
Ngày 7: My location: Lund
Ngày 8: Điều gì khiến ước mơ trở thành sự thật
Ngày 9: Những bất công trong cuộc đua săn học bổng
Ngày 10: IKEA of Sweden
Ngày 11: Lười một chút cũng chả sao
Ngày 12: Đi xa hơn với “Những lợi thế bất công”
Ngày 13: Bí mật “ghi điểm” trong mắt bạn bè quốc tế
Ngày 14: Hành trình tìm việc tại Châu Âu
Ngày 15: Muốn đi nhanh và xa thì đi một mình
Ngày 16: Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì
Ngày 17: Mừng cho những thành tựu nhỏ bé
Ngày 18: Cứ xong trước đã – Get things done!
Ngày 19: Không tình yêu tuổi 30
Ngày 20: Hiểu chính mình để yêu bản thân đúng cách
Ngày 21: Sự thật hành trình săn học bổng
Ngày 22: Let it be!
Ngày 23: Chấp nhận một cuộc sống không hoàn hảo
Ngày 24: 10 phút thay đổi cuộc đời
Ngày 25: Nói về đi bộ và Yoga
Ngày 26: Săn học bổng không chỉ vì học bổng
Ngày 27: Burn-out
Ngày 28: Can I have it all?
Ngày 29: Be Better Everyday
Ngày 30: Điều gì xảy ra sau “Thử thách 30 ngày viết Blog”
Cùng đi với mình nhé! Hẹn gặp lại bạn vào ngày mai!
Be Better Everyday,
Lana Thuỷ Nguyễn