Ai theo dõi các vlog của mình hoặc tiếp xúc trực tiếp với mình sẽ biết rằng mình là một người lạc quan điển hình. Mình lạc quan tới mức đôi khi cũng phải tự vấn bản thân rằng liệu mình có thuộc kiểu “lạc quan độc hại” không, vì lúc nào cũng nhăn nhở thì có vẻ không được bình thường cho lắm.
Nhưng rồi mình lại nghĩ, kể cả có “lạc quan độc hại” thật đi chăng nữa thì cũng chẳng sao, miễn mình cảm thấy vui là được. Nếu có thể lựa chọn, tại sao không chọn cách nhìn vào những điều tích cực?
Tuy nhiên, trong bài viết này, mình muốn chia sẻ một thói quen dường như trái ngược hẳn với tính cách lạc quan của mình. Đó là mỗi khi đứng trước một tình huống hoặc quyết định quan trọng, mình luôn tự hỏi: “Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì?”
Ví dụ như lần mình có lịch hẹn lên Đại sứ quán Thuỵ Điển để nhận visa, nhưng trước đó lại phải về Thái Bình giải quyết công việc. Khi quay trở lại Hà Nội để kịp lịch hẹn, đường phố tắc nghẽn, và xe khách về bến muộn hơn dự kiến. Trên taxi ra Đại sứ quán, lòng mình như lửa đốt, đường vẫn tắc, và chắc chắn là mình sẽ đến muộn. Cảm giác khó chịu bực bội dâng lên, nhưng rồi mình tự hỏi: “Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì?” Liệu chỉ vì mình đến muộn mà Đại sứ quán sẽ không cấp visa cho mình? Tất nhiên là không. Cùng lắm thì họ sẽ khó chịu vì mình đến trễ, nhưng chắc chắn visa vẫn sẽ được cấp. Nhận ra điều tệ nhất này không đáng để mình lo lắng quá mức, mọi thứ bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn. Và đúng như mình dự đoán, dù đến muộn 10 phút, mình vẫn nhận được visa như bình thường, và thậm chí nhân viên ở Đại sứ quán còn không hề đề cập đến việc mình trễ giờ.
Gần đây, mình đăng tải vlog và blog chia sẻ về hành trình tìm việc tại Châu Âu, một hành trình đầy thử thách, đòi hỏi sự kiên trì, vững tin vào bản thân và không thể thiếu niềm lạc quan rằng chỉ cần không bỏ cuộc, mình sẽ đạt được điều mong muốn. Sự thật là mình đã nghĩ đến trường hợp tệ nhất: không tìm được việc. Rất nhiều bạn bè mình đã phải về nước sau khi tìm việc không thành công.
Một điều nữa mà mình chưa chia sẻ đó là mình đã tự đặt cho mình một “deadline” cho hành trình này: Nếu đến tháng 11/2024 mà vẫn không tìm được việc, mình sẽ cân nhắc các kế hoạch khác. Và đây là những phương án mà mình đã lên sẵn cho trường hợp tệ nhất này:
Một là mình sẽ đăng ký học thêm vài môn trong ngành Film bên cạnh hai môn mình đã chọn và ở lại khu ký túc xá để hoàn thành. Ở Thuỵ Điển, khi bạn có visa ở lại sau khi học xong, bạn được phép học thêm ngành khác hoàn toàn miễn phí miễn đạt đủ điều kiện theo học. Và mình đã chọn học ngành Film tại Đại học Gothenburg.
Hai là mình sẽ dọn khỏi ký túc xá, sau đó dành thời gian khám phá một tháng ở Prague, một tháng ở Lisbon, rồi một tháng ở Sevilla trước khi về nhà đón Tết và bắt đầu tìm việc tại Việt Nam.
Cuối cùng, nếu không tìm được công việc như ý tại Việt Nam, mình sẽ tập trung toàn lực vào các dự án cá nhân còn đang dang dở vì chưa có thời gian để hoàn thành.
Về tài chính, với kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam và Thuỵ Điển, cộng với số tiền còn lại từ ba học bổng mà mình từng nhận được, mình đủ khả năng để sống tốt mà không cần đi làm trong ít nhất năm năm tới.
Khi nhìn lại, mình nhận ra mình có đến ba phương án cho trường hợp xấu nhất, và cả ba đều không tệ chút nào. Ngược lại, chúng còn làm mình cảm thấy hào hứng. Có lẽ đó chính là một phần lý do khiến mình vẫn kiên trì theo đuổi hành trình gian nan này.
Viết đến đây, mình chợt nhận ra rằng thói quen đặt câu hỏi “Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì?” không hề tiêu cực mà trái lại, nó giúp mình nhận ra những điều tích cực cả trong những trường hợp khó khăn. Khi đã chấp nhận trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, mình thấy rằng chúng không đáng sợ như mình tưởng. Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý, nhưng chính việc biết chấp nhận và chuẩn bị sẵn tinh thần cho mọi tình huống thì những trường hợp tưởng chừng như “tệ nhất” cũng sẽ mở ra cho mình những con đường mới đầy tiềm năng và thú vị.
Bạn đang đọc bài viết thứ 16 thuộc chuỗi 30 bài viết trong “Thử thách 30 ngày viết Blog”. Trong những ngày tiếp theo, mình sẽ liên tục đăng tải bài viết mới hàng ngày trên blog. Chủ đề sẽ xoay quanh hành trình học, làm, khám phá và phát triển bản thân. Sẽ rất nhiều bài viết trong số đó là những suy nghĩ ngẫu hứng, những bài học mình chiêm nghiệm và cả những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hiện tại của mình.
Đọc thêm các bài viết khác:
Ngày 1: Hãy cứ so sánh mình với người khác
Ngày 2: “You should be proud of yourself”
Ngày 3: Ba thùng carton IKEA
Ngày 4: Vết sẹo bốn mũi khâu
Ngày 5: Tạm biệt Gothenburg
Ngày 6: Chuyện làm Youtube và tương lai của kênh
Ngày 7: My location: Lund
Ngày 8: Điều gì khiến ước mơ trở thành sự thật
Ngày 9: Những bất công trong cuộc đua săn học bổng
Ngày 10: IKEA of Sweden
Ngày 11: Lười một chút cũng chả sao
Ngày 12: Đi xa hơn với “Những lợi thế bất công”
Ngày 13: Bí mật “ghi điểm” trong mắt bạn bè quốc tế
Ngày 14: Hành trình tìm việc tại Châu Âu
Ngày 15: Muốn đi nhanh và xa thì đi một mình
Ngày 16: Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì
Ngày 17: Mừng cho những thành tựu nhỏ bé
Ngày 18: Cứ xong trước đã – Get things done!
Ngày 19: Không tình yêu tuổi 30
Ngày 20: Hiểu chính mình để yêu bản thân đúng cách
Ngày 21: Sự thật hành trình săn học bổng
Ngày 22: Let it be!
Ngày 23: Chấp nhận một cuộc sống không hoàn hảo
Ngày 24: 10 phút thay đổi cuộc đời
Ngày 25: Nói về đi bộ và Yoga
Ngày 26: Săn học bổng không chỉ vì học bổng
Ngày 27: Burn-out
Ngày 28: Can I have it all?
Ngày 29: Be Better Everyday
Ngày 30: Điều gì xảy ra sau “Thử thách 30 ngày viết Blog”
Cùng đi với mình nhé! Hẹn gặp lại bạn vào ngày mai!
Be Better Everyday,
Lana Thuỷ Nguyễn