Chuyện làm Youtube và tương lai của kênh

Hơn 1 năm trước, mình từng viết một bài blog về lý do mình bắt đầu với Youtube, và mục tiêu mình đặt ra ở thời điểm đó là: vừa học vừa làm, không tạo áp lực quá nặng về nội dung, kỹ thuật và tập trung đều đặn ra 10 video trong 10 tuần liên tiếp.

Khi tất bật chuẩn bị và bắt đầu hành trình mới tại Paris, rồi quay cuồng với việc học, làm và khám phá Châu Âu, mình vẫn cố gắng dành thời gian để tiếp tục làm video. Sau 10 video đầu tiên, mình nhận thấy tiềm năng phát triển của kênh và quyết định theo đuổi lâu dài, tập trung chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng và phát triển bản thân. Mình đầu tư máy quay, đèn, mic, cả những dịch vụ nhạc và phầm mềm bản quyền dù tại thời điểm đó, mình vẫn chưa kiếm được thu nhập từ YouTube.

Ban đầu, mình chỉ sử dụng CapCut để dựng video, rồi chuyển sang iMovie, và sau đó tự học Final Cut Pro qua YouTube. Đôi khi, gặp vài lỗi kỹ thuật, mình lại tìm đến các cao nhân trong cộng đồng Final Cut Pro trên Facebook.

Những video đầu tiên nếu có độ dài tầm 10 phút, thì mình mất 4 tiếng để quay, và gần 20 tiếng tiếp theo để dựng.

Gần nhất, video thứ 51 của mình dài 11 phút, mình chỉ mất 1 tiếng để quay và 3 tiếng tiếp theo để dựng.

Hiện tại, mình có 2,080 người theo dõi. Lấy con số này so với các kênh lớn khác, kênh của mình chỉ là một kênh Youtube “mầm non”. Nhưng nếu lấy con số này so với lượng người xem trung bình tại mỗi video, kênh của mình có lượng tương tác khá tốt. Hơn nữa, đối tượng khán giả của mình rất rõ ràng, khá “niche” – là những bạn trẻ giống mình trước đây, mơ ước du học nhưng gặp nhiều rào cản, đặc biệt là sự tự ti. Mình muốn giúp họ có thêm động lực để theo đuổi giấc mơ. Mục tiêu hiện tại của mình rất đơn giản: Chỉ cần một bạn xem video của mình có thêm động lực và tự tin apply cho các học bổng toàn phần là mình đã thành công rồi.

Nói không quan trọng lượng người xem và theo dõi là nói dối. Ngày nào mình cũng vào kênh của mình để check. Video nào của mình, mình cũng tự…thả like cả. Nhưng mình biết mình đã và đang đi đúng hướng vì không chỉ một, mà có rất nhiều bạn gửi tin nhắn với mình rằng nhờ xem video của mình mà các bạn có thêm động lực và quyết tâm theo đuổi ước mơ du học. So với mục tiêu phía trên thì mình thắng to rồi đấy chứ.

Tương lai của kênh

Như đã chia sẻ, mình muốn đi đường dài với YouTube. Để kênh phát triển bền vững, mình cần có một kế hoạch cụ thể đảm bảo nội dung ra đều đặn và tạo ra nguồn tài chính ổn định để tái đầu tư vào việc làm video.

Trong hơn một năm qua, có lúc mình ra video hàng tuần, nhưng cũng có lúc mình “lặn mất tăm” vì không sắp xếp được thời gian. Vì thời gian tới mình cần dành sự ưu tiên nhiều hơn cho công việc, cùng với việc thực hiện các dự án cá nhân khác nên mình quyết định điều chỉnh tần suất đăng video xuống còn 2 tuần/video, phát sóng vào 20:00 tối thứ Sáu cách tuần. Đó là lý do tuần này mình không ra video, nhưng bạn hãy đón chờ video mới vào thứ Sáu tuần sau với tiêu đề: Hành trình tìm việc tại Châu Âu.

Về kế hoạch tạo ra nguồn tài chính chủ động cho kênh trong khi mình không nhận làm mentor, mình mất nhiều tháng suy nghĩ: Làm thế nào để có thể vừa giúp các bạn, vừa giúp kênh phát triển bền vững, nhưng phải vừa đơn giản và tránh mất thời gian cho cả mình và các bạn? Sau khi cân nhắc, mình quyết định hướng tới xây dựng các khoá học trực tuyến bổ trợ cho Hành trình săn học bổng. Để đảm bảo khoá học vừa có thể tiếp cận tới nhiều bạn trẻ, chi phí hợp lý, và nhất là tránh để các bạn hiểu lầm là mình “lùa gà”, mình sẽ xây dựng các khoá học này trên tinh thần “Learn now – Pay later” – Tức là bạn có thể xem khoá học ngay trên kênh của mình trước. Sau đó, nếu cảm thấy hài lòng với khoá học, bạn sẽ gửi học phí cho mình sau. Đây cũng chính là một trong những dự án cá nhân mới mà mình dự định triển khai trong cuối năm nay.

Bài viết hôm nay có phần đặc biệt. Mình viết nửa đầu khi đang trên tàu Öresundståg, trong hành trình chuyển nhà từ Gothenburg. Nửa sau, mình đang ngồi trong căn phòng nhỏ, “ngôi nhà mới” giữa phố cổ Lund, xung quanh là những vali và thùng đồ ngổn ngang. Một ngày bận rộn dọn dẹp và di chuyển giữa hai thành phố đã khiến mình kiệt sức, nhưng nghĩ về “Thử thách 30 ngày viết blog” mà mình tự đặt ra, mình tự xốc lại tinh thần để hoàn thành bài viết này.

Chả ai “bắt” mình làm thử thách này, chả ai “bắt” mình làm Youtube, cũng chả ai “bắt” mình lên những kế hoạch phát triển kênh này, kênh kia,…khi mà mình có thể dành thời gian đó để nghỉ ngơi. Nhưng khi cảm thấy mệt mỏi hay nghi ngờ về những cố gắng của mình, mình luôn nhớ lại những ngày trước đây – khi chẳng ai ép buộc, mình vẫn dành những buổi tối và cuối tuần sau giờ làm để cặm cụi viết các bài luận xin học bổng. Để giờ đây, mình được sống chính cuộc sống mà mình từng mơ ước.

Bạn đang đọc bài viết thứ sáu thuộc chuỗi 30 bài viết trong “Thử thách 30 ngày viết Blog”. Trong những ngày tiếp theo, mình sẽ liên tục đăng tải bài viết mới hàng ngày trên blog. Chủ đề sẽ xoay quanh hành trình học, làm, khám phá và phát triển bản thân. Sẽ rất nhiều bài viết trong số đó là những suy nghĩ ngẫu hứng, những bài học mình chiêm nghiệm và cả những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hiện tại của mình.

Đọc thêm các bài viết khác:

Ngày 1Hãy cứ so sánh mình với người khác

Ngày 2: “You should be proud of yourself”

Ngày 3: Ba thùng carton IKEA

Ngày 4: Vết sẹo bốn mũi khâu

Ngày 5: Tạm biệt Gothenburg

Ngày 6: Chuyện làm Youtube và tương lai của kênh

Ngày 7: My location: Lund

Ngày 8: Điều gì khiến ước mơ trở thành sự thật

Ngày 9: Những bất công trong cuộc đua săn học bổng

Ngày 10: IKEA of Sweden

Ngày 11: Lười một chút cũng chả sao

Ngày 12: Đi xa hơn với “Những lợi thế bất công”

Ngày 13: Bí mật “ghi điểm” trong mắt bạn bè quốc tế

Ngày 14: Hành trình tìm việc tại Châu Âu

Ngày 15: Muốn đi nhanh và xa thì đi một mình

Ngày 16: Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì

Ngày 17: Mừng cho những thành tựu nhỏ bé

Ngày 18: Cứ xong trước đã – Get things done!

Ngày 19: Không tình yêu tuổi 30

Ngày 20: Hiểu chính mình để yêu bản thân đúng cách

Ngày 21: Sự thật hành trình săn học bổng

Ngày 22: Let it be!

Ngày 23: Chấp nhận một cuộc sống không hoàn hảo

Ngày 24: 10 phút thay đổi cuộc đời

Ngày 25: Nói về đi bộ và Yoga

Ngày 26: Săn học bổng không chỉ vì học bổng

Ngày 27: Burn-out

Ngày 28: Can I have it all?

Ngày 29: Be Better Everyday

Ngày 30: Điều gì xảy ra sau “Thử thách 30 ngày viết Blog”

Cùng đi với mình nhé! Hẹn gặp lại bạn vào ngày mai!

Be Better Everyday,

Lana Thuỷ Nguyễn

Bạn muốn chia sẻ bài viết này?
Lana Thuỷ Nguyễn