Người ta hay nói: Chọn tiền hay chọn cuộc sống? Chúng ta chỉ sống một lần, đừng chạy theo đồng tiền mà bỏ lỡ cuộc sống. Hay trên mạng bạn sẽ thấy nhan nhản những câu kiểu: Bí kíp sống một cuộc đời giàu có mà không cần tiền…
Haha, nghe thật cao cả và mơ mộng. Nhưng với mình, những câu nói này thật sự xáo rỗng. Và mình đoán chắc một điều: bất cứ ai đang rao giảng rằng hãy theo đuổi một cuộc đời đáng sống, thì họ đều đã có đủ tiền và sự giàu có để sống cuộc đời đó rồi.
Nếu bạn đang đọc những dòng này, hãy đề phòng, vì mình sẽ nói ra một sự thật đơn giản mà tàn nhẫn: Chúng ta cần có tiền, trước khi mơ đến việc sống một cuộc đời đáng sống.
Từ năm 17 tuổi, mình đã từng mơ được đi du học để ngắm nhìn thế giới. Nhưng vì không có tiền, phải đến năm 30 tuổi, mình mới có thể hiện thực hoá giấc mơ đó bằng con đường học bổng. Nếu mình có tiền ngay từ đầu, thì việc đi du học đã dễ như trở bàn tay. Tất nhiên, săn học bổng là một hành trình đáng giá – nó là sự công nhận, là một thành tựu cá nhân mà không đồng tiền nào có thể mua được.
Nhưng hãy thực tế: Tỉ lệ đạt học bổng luôn rất thấp. Không phải ai cũng có thể theo đuổi ước mơ đó như mình, vì nhiều người bị giới hạn bởi tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, hoặc đơn giản là không có đủ thời gian để đầu tư cho hành trình đó.
Và lúc đó, bạn cần gì? Tiền.
Để có thể du học tự túc, để chi trả sinh hoạt, để tự lo cho bản thân trong một đất nước xa lạ.
Hay mơ ước của bạn là được đi du lịch và khám phá thế giới.
Bạn nghĩ có thể đi du lịch miễn phí à?
Không có chuyện đó. Bạn cần tiền để mua vé máy bay, cần tiền để đặt khách sạn, cần tiền để ăn uống, đi lại, cho những chi phí trải nghiệm.
Ngay cả việc mơ có một cuộc sống bình yên tại thôn quê, trồng rau, thả cá, nuôi gà, cũng cần có tiền – để mua ngôi nhà đó và để duy trì lối sống đó.
Mình có những người bạn đã đạt ước mơ du học bằng việc đi tự túc. Nhưng vì khoản tiền có giới hạn, nên dù rất muốn được theo đuổi cuộc sống giàu trải nghiệm, họ không thể đi đâu ngoài thành phố mà họ đang sinh sống và theo học. Có những người đi học, đi làm xa gia đình, dù rất nhớ nhà nhưng vì không thể chi trả chi phí đi lại, họ không thể trở về.
Đó là những ví dụ nhỏ, nhưng chúng cho thấy: Ta cần có tiền để sống một cuộc đời mà ta mong muốn.
Vậy, kiếm tiền như thế nào?
Với các bạn trẻ, mình xin thẳng thắn: Đừng dễ bị cuốn theo những lời khuyên ngắn hạn kiểu “bỏ học để kiếm tiền sớm”. Những video chia sẻ về việc bỏ đại học để start-up, hay để trở thành TikToker, làm content creator,…có thể rất hấp dẫn, nhưng đó không phải là con đường dành cho tất cả mọi người.
Với mình, đại học vẫn là một nền tảng quan trọng. Nhưng học thôi thì chưa đủ. Hãy tận dụng thời gian đó để trải nghiệm nhiều hơn: tham gia hoạt động ngoại khóa, đi thực tập, tích lũy kinh nghiệm và hiểu rõ bản thân muốn gì. Khi mới đi làm, đừng ngần ngại bắt đầu với một mức lương thấp vì mục tiêu của bạn lúc này là cần tích luỹ kinh nghiệm và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Hãy trở thành một người không dễ bị thay thế trong công ty. Tin mình đi, khi đó bạn sẽ có nhiều lựa chọn và cơ hội nâng cao thu nhập của mình nhiều lần hơn nữa đấy.
Biết kiếm tiền thôi chưa đủ, bạn còn cần học cách giữ tiền nữa. Hãy dành ra một khoản tiết kiệm khẩn cấp, để nếu chẳng may mọi thứ đảo lộn, bạn vẫn có thể sống ổn trong 6 tháng đến 1 năm. Bạn có thể gửi tiết kiệm ngân hàng trong ngắn hạn hay đầu tư chứng khoán vào các quỹ ETF trong dài hạn. Cá nhân mình thì vẫn thích vàng hơn, vì nó là tài sản có giá trị thật và giúp mình đảm bảo đồng tiền mình kiếm được không bị hao hụt bởi lạm phát.
Nhờ những khoản tiết kiệm ấy mà mình đã vững tâm hơn trong hành trình theo đuổi cuộc sống mà mình mong muốn. Khi bắt đầu hành trình săn học bổng, mình đã đặt mục tiêu là phải có một khoản tiền phòng thân. Nếu không đạt được học bổng, mình vẫn có thể đi du học bằng chính khoản tiết kiệm đó. May mắn là mình đã không cần đến chúng, nhưng chính vì có kế hoạch tài chính từ trước nên mình không rơi vào cảnh “được học bổng rồi mới dám mơ”.
Khi sang châu Âu, khoản hỗ trợ từ học bổng chính phủ toàn phần đã giúp mình thoải mái du lịch và trải nghiệm cuộc sống tại đây mà không cần quá lo nghĩ về tiền bạc, tất nhiên là nằm trong giới hạn cho phép. Vì nguồn học bổng này chỉ giới hạn trong 2 năm, nên mình vẫn tiếp tục tìm cách kiếm thêm thu nhập ngay cả khi còn đang đi học. Mình chủ động tìm cơ hội làm thêm tại văn phòng sau năm học đầu tiên, rồi được công ty hỗ trợ ký tiếp hợp đồng part-time khi mình theo học trao đổi tại Paris vào năm thứ hai. Nhờ công việc đó làm tiền đề mà sau tốt nghiệp, mình có được một công việc toàn thời gian với mức thu nhập mà trước kia mình chỉ dám mơ ước. Và tất nhiên, với số tiền kiếm được này, mình có đủ khả năng để theo đuổi một cuộc sống giàu trải nghiệm. Ngay cả khi có nhớ nhà, mình cũng có thể đặt vé máy bay để trở về.
Mình viết bài này không phải để cổ suý cho lối sống vật chất, hay tôn thờ đồng tiền. Nhưng mình tin rằng: Tiền là công cụ giúp bạn tự do theo đuổi cuộc sống mà mình mong muốn.
Đừng cảm thấy có lỗi vì muốn có tiền. Bởi vì bạn không hề tham lam, bạn chỉ đang muốn một cuộc sống đủ đầy và tử tế. Và điều đó hoàn toàn chính đáng.
Hãy cứ mơ về một cuộc đời đáng sống nhưng đừng quên chuẩn bị cho mình một nền móng tài chính vững chắc. Để khi cơ hội đến, bạn có thể bước đến và theo đuổi cuộc đời mà bạn mong muốn.
Be Better Everyday,
Lana Thuỷ Nguyễn