Hành trình du học của nhiều bạn có thể gặp không ít khó khăn trong việc kết nối với bạn bè quốc tế hay đối mặt với những tình huống “drama” như xích mích với bạn cùng nhà hoặc cùng khu ký túc xá về những chuyện nhỏ nhặt như dọn dẹp hay sử dụng không gian chung. Tuy nhiên, trong suốt hơn hai năm qua, mình không gặp phải những vấn đề này. Một phần là nhờ mình may mắn gặp được những người bạn hiền lành và tử tế, nhưng phần lớn hơn chính là nhờ vào một “bí mật” đã giúp mình dễ dàng kết nối và ghi điểm với mọi người. Đó chính là đồ ăn Việt Nam.
Khi bước vào một môi trường mới và cần làm quen với bạn bè, đồng nghiệp quốc tế, thay vì chỉ dựa vào những lời chào hỏi thông thường, mình luôn có thói quen mang theo một món ăn Việt Nam và mời mọi người thưởng thức. Sau đó, câu chuyện không chỉ dừng lại ở những câu hỏi quen thuộc như “Bạn đến từ đâu?” hay “Bạn học gì?” mà chuyển sang chủ đề về ẩm thực, sở thích ăn uống. Ai mà không thích đồ ăn chứ, lại còn là đồ ăn Việt Nam? Người ta cũng dễ có thiện cảm với người đem lại cho họ những trải nghiệm thú vị và mới lạ từ những món ăn đến từ một đất nước xa xôi.
Ngày nhập học đầu tiên của chương trình Thạc sĩ, mình thủ sẵn hai hộp ô mai sấu và ô mai mận. Gặp ai mình cũng mời họ thử từng loại. Bạn bè mình sau này vẫn nhớ những câu chuyện về Việt Nam của mình và hai hộp ô mai.
Ngày đầu đi làm tại công ty trước đây khi còn ở Gothenburg, mình mang theo hộp bánh đậu xanh để chia sẻ với các đồng nghiệp trong team, không quên tặng một ít cho các anh bên Help Desk khi mình đến nhận máy tính. Sau này, mỗi khi cần nhờ vả gì, chỉ cần nhắn một tin nhẹ là các anh giúp liền, không cần phải điền form hay chờ đợi như những người khác.
Tuần rồi, trong ngày đầu tiên làm việc tại IKEA, mình mang theo một giỏ bánh hạt dẻ và bánh dừa sấy khô. Vừa kể chuyện về nguồn gốc của hai món này, vừa nhìn các đồng nghiệp thưởng thức, mình thấy vui vô cùng. Emma, một trong những đồng nghiệp mới, còn hào hứng bảo: “Nghe cậu kể về ẩm thực Việt Nam làm tớ muốn đến Việt Nam ngay lập tức!”
Khi mình mới chuyển đến khu ký túc xá đầu tiên, ban đầu mình cũng khá ngại ngùng vì chưa có cơ hội giao tiếp với các bạn cùng khu về việc dọn dẹp chung. Thế rồi, sau vài tuần, mình làm một đĩa nem cuốn và đặt nó trên bàn bếp kèm theo một tấm giấy nhắn: “Đây là một món ăn truyền thống của Việt Nam, mời các bạn thử nhé!” Mình còn để hai loại nước chấm: một là nước mắm pha truyền thống và một là tương ớt. Buổi tối hôm đó, Winny – cô bạn cùng nhà người Uganda – đã gõ cửa phòng mình, đứng ngoài với ánh mắt lấp lánh: “Cảm ơn Thuỷ vì món nem, mình có Chapati, cậu hãy thử nhé.”
Vài tuần sau, Magnus, một người bạn cùng khu, cùng cô bạn gái Emma đã mời mình ăn món bánh Panellets truyền thống của Tây Ban Nha dịp Halloween.
Thậm chí, sau khi trở về từ kỳ nghỉ lễ ở Ấn Độ, Brijesh, một người bạn khác, cũng mang cho mình vài miếng bánh Kaju ngọt lịm.
Với mình, những món ăn Việt không chỉ là chỗ dựa tinh thần mỗi khi mình nhớ nhà, mà còn là cầu nối đưa mình đến gần hơn với những người bạn từ khắp nơi trên thế giới. Nhờ đó, cuộc sống du học và làm việc ở nước ngoài của mình trở nên dễ dàng hơn, ngập tràn những kỷ niệm ấm áp và đáng nhớ.
Bạn đang đọc bài viết thứ 13 thuộc chuỗi 30 bài viết trong “Thử thách 30 ngày viết Blog”. Trong những ngày tiếp theo, mình sẽ liên tục đăng tải bài viết mới hàng ngày trên blog. Chủ đề sẽ xoay quanh hành trình học, làm, khám phá và phát triển bản thân. Sẽ rất nhiều bài viết trong số đó là những suy nghĩ ngẫu hứng, những bài học mình chiêm nghiệm và cả những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hiện tại của mình.
Đọc thêm các bài viết khác:
Ngày 1: Hãy cứ so sánh mình với người khác
Ngày 2: “You should be proud of yourself”
Ngày 3: Ba thùng carton IKEA
Ngày 4: Vết sẹo bốn mũi khâu
Ngày 5: Tạm biệt Gothenburg
Ngày 6: Chuyện làm Youtube và tương lai của kênh
Ngày 7: My location: Lund
Ngày 8: Điều gì khiến ước mơ trở thành sự thật
Ngày 9: Những bất công trong cuộc đua săn học bổng
Ngày 10: IKEA of Sweden
Ngày 11: Lười một chút cũng chả sao
Ngày 12: Đi xa hơn với “Những lợi thế bất công”
Ngày 13: Bí mật “ghi điểm” trong mắt bạn bè quốc tế
Ngày 14: Hành trình tìm việc tại Châu Âu
Ngày 15: Muốn đi nhanh và xa thì đi một mình
Ngày 16: Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì
Ngày 17: Mừng cho những thành tựu nhỏ bé
Ngày 18: Cứ xong trước đã – Get things done!
Ngày 19: Không tình yêu tuổi 30
Ngày 20: Hiểu chính mình để yêu bản thân đúng cách
Ngày 21: Sự thật hành trình săn học bổng
Ngày 22: Let it be!
Ngày 23: Chấp nhận một cuộc sống không hoàn hảo
Ngày 24: 10 phút thay đổi cuộc đời
Ngày 25: Nói về đi bộ và Yoga
Ngày 26: Săn học bổng không chỉ vì học bổng
Ngày 27: Burn-out
Ngày 28: Can I have it all?
Ngày 29: Be Better Everyday
Ngày 30: Điều gì xảy ra sau “Thử thách 30 ngày viết Blog”
Cùng đi với mình nhé! Hẹn gặp lại bạn vào ngày mai!
Be Better Everyday,
Lana Thuỷ Nguyễn