Hồi trước mình luôn nghĩ rằng “đi muộn” là một phần trong máu của mình.
Nhà mình có bốn chị em: ba chị em gái và một em trai. Ba chị em gái đều “di truyền” tính đi muộn từ mẹ, còn em trai thì giống bố, lúc nào cũng cẩn thận chỉn chu và luôn đến sớm.
Nhà mình bán hàng ăn sáng mà mẹ mình luôn đi chợ muộn hơn những người khác. Còn ba chị em mình thì từ thời đi học, y như rằng hôm nào cũng đi muộn. Sân trường vừa vắng tanh sau tiếng trống cuối cùng là mình mới kịp phóng tới, dựng chân chống, khóa xe, rồi chạy thục mạng để vào lớp trước khi hết 5 phút truy bài đầu giờ.
Ra trường đi làm cũng không khá hơn là bao, mình vẫn đến muộn như cũ. Biết vậy nên mình thường thuê nhà gần công ty. Nhưng khổ nỗi, cái thói ỷ lại “nhà gần” nên lúc nào mình cũng đến sát giờ. Sáng nào cũng vội vội vàng vàng.
Đó là chuyện của ngày xưa. Bây giờ mình đã khác, nhờ vào một thói quen và cũng là chủ đề cho bài viết này: “10 phút thay đổi cuộc đời.”
Mình nảy ra ý tưởng viết về chủ đề này vào sáng nay, khi đang thong thả bước vào ga trung tâm ở Lund để bắt tàu đi làm. Lúc ấy là 6:30 sáng, tàu 6:45 mới đến, mình còn tận 15 phút và đã rất gần ga, nên mình cứ thong thả mà bước.
Lúc đó mình chợt nhớ lại cảnh mình ngày xưa, hối hả chạy học, chạy làm sát giờ. Điều gì đã thay đổi?
Chỉ là đi sớm hơn 10 phút.
Mình không rõ thói quen này bắt đầu từ khi nào. Về cơ bản thì, mình luôn chỉnh giờ ra khỏi nhà sớm hơn 10 phút so với dự kiến. Ví dụ, từ nhà ra ga Lund chỉ mất khoảng 10 phút. Ngày trước, mình sẽ rời nhà lúc 6:30 cho tàu 6:45, thêm 5 phút dự phòng là ổn. Nhưng giờ, mình chủ động đi sớm thêm 10 phút nữa, tức là rời nhà lúc 6:20, sớm hơn kế hoạch 10 phút.
Nhờ vậy mà đến ga, mình thong thả đi vào rồi lựa chỗ ngồi đợi tàu. Có hôm trời mưa, mình quyết định đi bộ thay vì đạp xe. Có thêm 10 phút, mình vẫn đủ thời gian đến sớm vài phút trước khi tàu đến. Với 10 phút đi sớm hơn bình thường, mình có được sự thoải mái thay vì phải chịu cảm giác hớt hải đầu ngày.
Khi tàu tới Älmhult, mình đều chứng kiến đoàn người vội vàng xuống tàu, phần lớn là nhân viên IKEA. Họ nhanh chóng rảo bước trên quãng đường 500 mét đến văn phòng, ai cũng khẩn trương, vội vã.
Còn mình, mình chọn cách đi cuối cùng. Sau giấc ngủ ngắn trên tàu, mình vươn vai một chút rồi ung dung bước, hít thở không khí se lạnh, ngắm lá vàng cuối thu, mỉm cười chào bác tài xế đang nhường đường cho mình. Nếu có đi nhanh như những người khác, chắc mình cũng chỉ đến văn phòng sớm hơn so với việc đi chậm rãi 10 phút? Thật ra cũng chẳng ai có thể đi nhanh tới mức đấy, mà nếu có thì đến sớm hơn 10 phút cũng để làm gì cơ chứ?
Chỉ cần sớm hay muộn hơn 10 phút, mọi thứ với mình cứ thế trở nên nhẹ nhàng, tự tại hơn.
Bạn đang đọc bài viết thứ 24 thuộc chuỗi 30 bài viết trong “Thử thách 30 ngày viết Blog”. Trong những ngày tiếp theo, mình sẽ liên tục đăng tải bài viết mới hàng ngày trên blog. Chủ đề sẽ xoay quanh hành trình học, làm, khám phá và phát triển bản thân. Sẽ rất nhiều bài viết trong số đó là những suy nghĩ ngẫu hứng, những bài học mình chiêm nghiệm và cả những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hiện tại của mình.
Đọc thêm các bài viết khác:
Ngày 1: Hãy cứ so sánh mình với người khác
Ngày 2: “You should be proud of yourself”
Ngày 3: Ba thùng carton IKEA
Ngày 4: Vết sẹo bốn mũi khâu
Ngày 5: Tạm biệt Gothenburg
Ngày 6: Chuyện làm Youtube và tương lai của kênh
Ngày 7: My location: Lund
Ngày 8: Điều gì khiến ước mơ trở thành sự thật
Ngày 9: Những bất công trong cuộc đua săn học bổng
Ngày 10: IKEA of Sweden
Ngày 11: Lười một chút cũng chả sao
Ngày 12: Đi xa hơn với “Những lợi thế bất công”
Ngày 13: Bí mật “ghi điểm” trong mắt bạn bè quốc tế
Ngày 14: Hành trình tìm việc tại Châu Âu
Ngày 15: Muốn đi nhanh và xa thì đi một mình
Ngày 16: Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì
Ngày 17: Mừng cho những thành tựu nhỏ bé
Ngày 18: Cứ xong trước đã – Get things done!
Ngày 19: Không tình yêu tuổi 30
Ngày 20: Hiểu chính mình để yêu bản thân đúng cách
Ngày 21: Sự thật hành trình săn học bổng
Ngày 22: Let it be!
Ngày 23: Chấp nhận một cuộc sống không hoàn hảo
Ngày 24: 10 phút thay đổi cuộc đời
Ngày 25: Nói về đi bộ và Yoga
Ngày 26: Săn học bổng không chỉ vì học bổng
Ngày 27: Burn-out
Ngày 28: Can I have it all?
Ngày 29: Be Better Everyday
Ngày 30: Điều gì xảy ra sau “Thử thách 30 ngày viết Blog”
Cùng đi với mình nhé! Hẹn gặp lại bạn vào ngày mai!
Be Better Everyday,
Lana Thuỷ Nguyễn