Là người duyệt CV và trực tiếp phỏng vấn hàng trăm ứng viên ứng tuyển vị trí Truyền thông nội bộ, Truyền thông thương hiệu, Tổ chức sự kiện,…mình biết rõ một điều đó là: Có những tiêu chí cơ bản để đánh giá một ứng viên có thực sự phù hợp với công việc hay không. Thực tế, rất nhiều ứng viên dù kinh nghiệm làm việc rất tốt, nhưng một khi đã vi phạm những yếu tố này vẫn bị “reject” – một kết quả không mong muốn cho cả ứng viên và người tuyển dụng khi cả 2 bên đều mất thời gian và công sức. Vì vậy, tại bài viết này mình sẽ chia sẻ 7 lưu ý cơ bản khi ứng tuyển một công việc bất kỳ, đặc biệt là Truyền thông nội bộ, hy vọng sẽ giúp các bạn có được những thông tin hữu ích, tới gần hơn với công việc mà mình mong muốn
1. Cần có định hướng rõ ràng về công việc và môi trường làm việc mình tìm kiếm
Đây là điều cần và nên làm nếu bạn muốn tìm đúng công việc mình mong muốn và một môi trường làm việc bạn có thể gắn bó lâu dài. Không ai muốn làm mỗi nơi chỉ 6 tháng – 1 năm cả. Vì vậy bạn nên trả lời thật chi tiết cho câu hỏi: công việc và môi trường làm việc mình đang tìm kiếm là gì, như thế nào?
Sau phần giới thiệu bản thân, đây là câu hỏi đầu tiên mình hỏi ứng viên bởi mình cần hiểu rõ định hướng công việc, môi trường các bạn đang tìm kiếm có thực sự phù hợp với vị trí và môi trường hiện tại của doanh nghiệp hay không. Nếu thực sự “match” ít nhất 80% thì đi tiếp, nếu không sẽ rất khó để bạn có thể gắn bó lâu dài – đều không tốt cho cả ứng viên và doanh nghiệp. Mình khuyên các bạn hãy trả lời thật chân thành câu hỏi này để tiết kiệm thời gian cho cả đôi bên.
2. CV được thiết kế gọn gàng, đầy đủ thông tin
Hình thức: CV nên từ 1- 2 trang A4. Được thiết kế gọn gàng với font chữ thống nhất và không quá 3 size chữ khác nhau. Có rất nhiều template mà bạn có thể sử dụng để thiết kế CV trên Internet. Cá nhân mình thấy các template trên TopCV tương đối ổn, dễ thao tác chỉnh sửa ngay trên web.
Hình ảnh: Nói không với ảnh thẻ, selfie, chất lượng kém hay nhiều màu sắc sặc sỡ. Bạn nên dùng hình ảnh rõ mặt, trẻ trung, lịch sự với màu sắc trang phục trung tính như trắng, đen, xám, nâu, xanh đen, vv.
Nội dung: Phần kinh nghiệm làm việc sắp xếp theo bố cục thời gian gần nhất lên trước. Ngoài việc liệt kê nội dung công việc bạn phụ trách, hãy bổ sung thêm mục Thành tựu/Achievements: Những kết quả ấn tượng nhất từ công việc bạn đã và đang đảm nhiệm. Ví dụ: Tôi đã trực tiếp triển khai và quản lý 10 câu lạc bộ sở thích tại Công ty với hơn 200 thành viên tham gia; Kết quả khảo sát về mức độ hài lòng hoạt động TTNB đạt trên 95%,vv.
Tips dành cho các bạn ứng tuyển vị trí Truyền thông nội bộ
- Hãy tổng hợp lại ảnh/clip các hoạt động TTNB bạn đã làm tại công ty cũ thành 1 folder trên Google Drive với tên Portfolio và đính kèm link trên CV. Nếu có thời gian, hãy sắp xếp và thiết kế trên file PowerPoint với các thông tin chi tiết hơn bao gồm: ý tưởng, nội dung, hiệu quả thực tế các hoạt động TTNB bạn tổ chức. Đây sẽ là những tư liệu rõ ràng nhất chứng minh được năng lực thực tế của bạn.
- Nếu bạn có thể các tài lẻ như nhảy, hát, MC, thiết kế,…có một trang blog, channel youtube riêng,…hãy cho vào CV bởi đây là yếu tố giúp gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
3. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng
Trước buổi phỏng vấn, người tuyển dụng không biết bạn là ai ngoài thông tin trên CV. Do đó, họ hoàn toàn có thể sẽ đánh giá sai con người bạn nếu họ có ấn tượng đầu tiên không tốt. Vì vậy, tại buổi phỏng vấn, hãy đến sớm hoặc đúng giờ, mặc một bộ trang phục gọn gàng, sáng màu, lịch sự. Ngồi thẳng lưng với một phong thái tự tin, tươi tắn. Với các bạn nữ hãy trang điểm nhẹ nhàng nhé!
Trước 1 ngày phỏng vấn, mình thường đi khảo sát thực tế công ty mình ứng tuyển để nắm rõ tuyến đường di chuyển và thời gian muộn nhất mình cần xuất phát từ nhà vào hôm sau. Đến sớm, mình thường vào nhà vệ sinh chỉnh lại trang phục, tóc và make-up để đảm bảo mọi thứ đều được chỉn chu để sẵn sàng cho buổi phỏng vấn phía trước.
4. Đọc kỹ JD – Bản mô tả công việc
Khi ứng tuyển vào một công việc bất kỳ, bạn cần và nên hiểu rõ mình sẽ phụ trách những hạng mục công việc nào. Khi mình hỏi “Bạn hiểu trách nhiệm chính của mình là gì ở vị trí này?”, bên cạnh những ứng viên tự tin trả lời, thể hiện rõ họ đã tìm hiểu rất kĩ nội dung công việc, có những ứng viên lại tỏ ra lúng túng, trả lời sai hoặc thành thật “Em mới đọc qua….”. Với nhóm sau, mình thường quyết định “đánh trượt” bởi rất khó để tin tưởng giao việc cho một người “đến JD cũng không đọc” như vậy.
Hãy đọc kỹ JD trước khi quyết định apply một công việc nào đó, và càng phải đọc kỹ trước buổi phỏng vấn để nếu có thắc mắc liên quan, bạn có thể hỏi trực tiếp nhà tuyển dụng.
5. Tìm hiểu kỹ về Công ty bạn ứng tuyển
Các thông tin này bao gồm: Sản phẩm/dịch vụ kinh doanh và hoạt động truyền thông nội bộ của Công ty đó. Hãy tìm các thông tin này trên tất cả trang chính thức và tuyển dụng của doanh nghiệp tại các kênh Facebook, website, Youtube, Linkedin. Những thông tin này đồng thời là căn cứ giúp bạn quyết định môi trường này có phù hợp với định hướng của mình hay không.
Riêng với hoạt động truyền thông nội bộ, hãy tổng hợp và ghi chú các điểm bạn đánh giá cao, các điểm cần cải thiện và đưa ra ý kiến này tại buổi phỏng vấn. Đây một trong những yếu tố giúp bạn “ghi điểm” với nhà tuyển dụng khi thể hiện bạn nghiêm túc ứng tuyển, dành công sức tìm hiểu kỹ lưỡng và cho thấy bạn là ứng viên tiềm năng có thể lấp đầy các khoảng trống trong hoạt động TTNB hiện tại của doanh nghiệp.
6. Hãy chuẩn bị những câu hỏi thông minh
Cuối buổi phỏng vấn, mình thường hỏi ứng viên “Bạn có câu hỏi nào không?”. Bên cạnh những câu hỏi mà ứng viên hoàn toàn có thể tự trả lời nếu đọc kỹ JD hoặc sau vài click tìm kiếm trên Internet, rất nhiều ứng viên đưa ra những câu hỏi khiến mình phải “Wow”. Những câu hỏi này thường liên quan đến những điểm họ chưa rõ trên JD sau khi đã tìm hiểu rất kỹ lưỡng, những đánh giá khách quan về các hoạt động nội bộ hiện tại hay sự phù hợp của họ cho vị trí này
Sau đây là top 4 câu hỏi mà mình thích được trả lời nhất:
- Các hoạt động nội bộ hiện tại của doanh nghiệp là gì, đồng thời chị hãy đưa ra đánh giá khách quan về các điểm mạnh/yếu hoạt động TTNB hiện tại của doanh nghiêp?
- Cơ cấu của team như thế nào và em sẽ làm việc trực tiếp với ai?
- Đánh giá về kinh nghiệm và mức độ phù hợp của ứng viên cho vị trí này?
- Có lời khuyên hoặc nhận xét nào để em có thể rút kinh nghiệm và cải thiện không?
7. Đừng im lặng
Sau mỗi buổi phỏng vấn, hãy gửi email cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian phỏng vấn bạn. Bạn có thể hỏi thêm trong email về kết quả của buổi phỏng vấn. Hoặc nếu bạn cảm thấy công việc này chưa phù hợp, hãy nói rõ điều này để bên tuyển dụng nắm được thông tin. Mình từng gặp rất nhiều ứng viên tỏ ra hào hứng tại buổi phỏng vấn, xác nhận làm bài home test nhưng đến hạn nộp bài lại “bặt vô âm tín”. Gọi điện, email không hồi âm. Có thể các bạn nhận ra mình không phù hợp với vị trí này và quyết định im lặng thay vì thông báo tới nhà tuyển dụng. Đây là điều không nên bởi nó gây ấn tượng không tốt về bạn. Không mất nhiều công sức cho một email, một tin nhắn hay một cuộc gọi, vì vậy hãy thể hiện mình là một ứng viên chuyên nghiệp bạn nhé!
Trước khi kết thúc bài viết, mình muốn gửi một lời khuyên tới tất cả các bạn đó là: Hãy trao đổi thẳng thắn về mức lương bạn mong muốn. Đừng ngại, bởi đó là quyền lợi của bạn. Với các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, mình lại có lời khuyên ngược lại: Đừng đặt nặng vấn đề tiền lương. Điều quan trọng nhất các bạn cần lúc này là kinh nghiệm. Đừng ngại lăn xả, thử sức, học hỏi và tích lũy cho mình kinh nghiệm nhiều nhất có thể, đó là “vốn liếng” quan trọng nhất mà khi đã có nó, những thứ khác sẽ tự đến với bạn!
Be Better Everyday!
Lana Thủy Nguyễn
* Bài viết này hữu ích với bạn? Hãy cân nhắc ủng hộ cho blog để blog có thể duy trì phi lợi nhuận, không quảng cáo và phát triển bền vững
** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền – Cộng tác trước khi sao chép hay trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Cảm ơn chị, bài viết xuất phát từ kinh nghiệm thực nên chất lượng và giá trị quá.
Bài viết rất chi tiết, tỉ mỉ và có tâm, cảm ơn chị.